Những năm qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội) đã làm tốt công tác tập hợp đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) của tỉnh đóng góp tích cực vào các lĩnh vực: y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật… Trong đó, hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội (TVPB & GĐXH) đã có những đóng góp tích cực, cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo đồng chí Ma Thị Nguyệt, Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh: Thời gian qua, đội ngũ trí thức của tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, phổ biến kiến thức KH&CN. Xác định hoạt động TVPB & GĐXH là nhiệm vụ trọng tâm và thế mạnh, Liên hiệp Hội đã tích cực, chủ động thực hiện hiệu quả hoạt động này, góp phần xây dựng, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn giúp cho việc hoạch định chính sách và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong 2 năm (2014, 2015), Liên hiệp Hội đã thực hiện đề tài “Tư vấn, phản biện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số”, đây là cơ sở khoa học phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Kết quả tư vấn đã góp tiếng nói với tỉnh trong việc hoạch định, ban hành các chính sách thiết thực nhất nhằm nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong năm 2016, Liên hiệp Hội đã thực hiện 3 đề tài, nhiệm vụ về lĩnh vực TVPB & GĐXH cấp tỉnh và Trung ương. Cấp tỉnh là đề tài: “Nghiên cứu các giải pháp thực thi về hoạt động TVPB & GĐXH trong tỉnh” với nội dung là xây dựng các quy định, quy trình, cơ chế tài chính cho hoạt động TVPB & GĐXH, làm cơ sở cho các hoạt động TVPB & GĐXH trên địa bàn; nhiệm vụ “Tư vấn phản biện về quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2030”. Cấp Trung ương là nhiệm vụ “Tư vấn phản biện chính sách về KH&CN của tỉnh Thái Nguyên”. Những kết quả TVPB & GĐXH phản ánh trung thực, khách quan ý kiến của đội ngũ trí thức được Liên hiệp Hội xây dựng thành bản khuyến nghị, đóng góp vào thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc thành lập các hội đồng tư vấn, phản biện được Liên hiệp Hội chuẩn bị nghiêm túc, chất lượng. Các chuyên gia trong hội đồng có chuyên môn sâu. Nhìn chung, ý kiến phản biện của Hội đồng tư vấn phản biện được các cơ quan chủ trì soạn thảo các đề án, nhiệm vụ đánh giá cao, ghi nhận, nhiều nội dung được tiếp thu, điều chỉnh phù hợp với thực tế. Trực tiếp tham dự Hội thảo khoa học đánh giá hiện trạng và các cơ chế chính sách phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy các trí thức đã thể hiện sự tâm huyết vào những mục tiêu lớn mà tỉnh đặt ra.
Để hoạt động TVPB & GĐXH của Liên hiệp Hội được đẩy mạnh, tập hợp được đông đảo đội ngũ trí thức KH&CN đóng góp ý kiến tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND có thêm căn cứ, cơ sở để quyết định các vấn đề quan trọng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, theo đồng chí Ma Thị Nguyệt, Chủ tịch Liên hiệp Hội: Thời gian tới, Liên hiệp Hội tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, hỗ trợ chuyên gia, phát huy cao nhất trí tuệ, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tỉnh; thực hiện tốt chức năng TVPB & GĐXH vì lợi ích cộng đồng. Huy động nguồn lực trí thức của tỉnh tham gia TVPB & GĐXH các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp cho lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành những luận cứ khoa học có tính độc lập khách quan trước khi thẩm định, phê duyệt. Phát huy cao nhất trí tuệ, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KHCN, làm tốt hoạt động TVPB & GĐXH, để các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án, đề án của tỉnh, các quyết định của các cấp lãnh đạo và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thêm cơ sở, luận cứ khoa học, độc lập và khách quan, mang lại giá trị lớn cho tỉnh.