Nghiên cứu khoa học gắn với thực tế

10:00, 11/05/2017

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) xác định là đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ (KH-CN) gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ đào tạo, đồng thời làm nền tảng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Để thực hiện được mục tiêu này, mỗi giảng viên, nhà khoa học và sinh viên đều là hạt nhân tích cực tham gia vào quá trình nghiên cứu gắn với thực tế.   

Cũng như nhiều trường đại học trong cả nước, vấn đề đẩy mạnh hoạt động KH&CN để vươn lên tầm cao tri thức mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội đang là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi các nhà khoa học phải tích cực tìm hướng giải quyết. Trong 10 năm thành lập từ (năm 2008), Nhà trường đã lựa chọn hướng đi: lấy kiến thức, KH-CN làm nền tảng cho phát triển, trong đó hoạt động nghiên cứu khoa học làm nòng cốt cho quá trình dạy và học. Ngay từ những năm đầu thành lập, những sản phẩm nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học của Trường đã được công bố liên tục trên các diễn đàn khoa học trong nước và quốc tế, thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học.

 

Tổng kết hoạt động KH-CN giai đoạn 2010-2012, Trường Đại học Khoa học đã được Ban Giám đốc Đại học Thái Nguyên, các bộ: KH-CN, Giáo dục và Đào tạo tin tưởng giao phó đảm nhận chủ trì 4 đề tài nghiên cứu cơ bản (Quỹ Nafosted) với kinh phí trên 2,5 tỷ đồng, 14 đề tài/dự án cấp bộ với kinh phí 2,2 tỷ đồng; 34 đề tài cấp đại học với kinh phí trên 1,6 tỷ đồng và 49 đề tài cấp cơ sở với kinh phí trên 200 triệu đồng. Đặc biệt, chỉ trong thời gian 4 năm, vừa tập trung chuẩn hóa đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đào tạo, đội ngũ cán bộ khoa học, các giảng viên của Trường đã cho công bố 43 bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín cao được Viện Khoa học Thông tin ISI xếp hạng SCI, SCIE; 22 bài báo trên các tạp chí quốc tế khác, 97 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành cấp Quốc gia và hàng trăm bài báo trên tạp chí cấp đại học.

 

Năm 2016, hoạt động KH-CN tiếp tục gặt hái những thành công mới, đó là: Trường thực hiện đề tài cấp Nhà nước và tương đương thuộc quỹ Nafosted do GS.TS. Lê Thị Thanh Nhàn, PGS.TS. Dương Nghĩa Bang, TS. Nguyễn Văn Đăng, TS. Phạm Thế Chínhlàm chủ nhiệm. thực hiện 1 tiểu dự án quốc tế về than sinh học (thời gian: 2014-2018) do ThS. Mai Lan Anh. Bên cạnh đó, Nhà trường đảm nhận thực hiện 8 đề tài cấp Bộ;38 đề tài cấp Đại học; 4 đề tài cấp Cơ sở:Nhà trường được duyệt chủ trì 2 đề tài KH-CN cấp tỉnh. Các đề tài đều được triển khai và thực hiện đúng tiến độ. Hội đồng khoa học Nhà trường nghiệm thu 175 đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học giai đoạn 2015-2017.

 

Nghiên cứu khoa học đi đôi với chuyển giao ứng dụng KH-CN vào thực tiễn cuộc sống, đó là một trong những tiêu chí cơ bản của hoạt động KH-CN của Trường. Năm vừa qua, cán bô, giảng viên Nhà trường cũng thực hiện 2 đề tài chuyển giao công nghệ và 1 dự án chuyển giao công nghệ với Bộ KH-CN, và với tỉnh Thái Nguyên. Các đề tài, dự án chuyển giao công nghệ đều chú trọng mục tiêu có đóng góp mới, mang lại giá trị ứng dụng thực tế. Điển hình như lĩnh vực khoa học sự sống, ứng dụng chế phẩm than sinh học, văn hóa truyền thống luận giải những vấn đề mang yếu tố tâm linh… bước đầu giải quyết các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra. Từ thực tế nghiên cứu khoa học, cán bộ, giảng viên Nhà trường đã công bố 41 bài báo quốc tế (tiêu chuẩn ISI), 17 bài báo quốc tế khác, 112 bài báo khoa học trong nước, 58 báo cáo đăng trên kỷ yếu hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế. Đây chính là điểm sáng và cũng là sức hút quan trọng để các nhà khoa học trong nước, quốc tế thường xuyên công tác với Trường trong các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Từ đầu năm 2016 đến nay, Trường đã phối hợp với Trường Đại học Meiji, Nhật Bản tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Trường Quốc tế về Đại số giao hoán”; phối hợp với Trường Đại học New England, Australia tổ chức Hội nghị tập huấn về xây dựng đề án, dự án, phân tích số liệu và đăng báo quốc tế, với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học trong nước và quốc tế.

 

Liên tục từ tháng 11-2016 đến tháng 2-2017, Nhà trường lại tiếp tục được đón nhận những tin vui, khi 2 đề tài của sinh viên tham dự “Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc” đều đạt giải thưởng. Đề tài: “Nghiên cứu chế tạo nguồn plasma DBD ở áp suất khí quyển định hướng ứng dụng trong y - sinh” (do nhóm sinh viên Khoa Vật lý Đỗ Thị Ngân và Nguyễn Trường Sơn thực hiện dưới sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Văn Hảo) đoạt giải Nhì; đề tài: “Đánh giá hiện trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và hiệu quả của giải pháp sử dụng bẫy sinh học trong canh tác chè tại vùng chè đặc sản Tân Cương” (do nhóm sinh viên Đỗ Thị Kim Liên, Phạm Thị Quyên thực hiện dưới sự hướng dẫn của TS. Ngô Văn Giới) đoạt giải Khuyến khích. Có thể nói, song song với việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, việc nghiên cứu khoa học đã và đang mang lại sức sống mới, góp phần không nhỏ khẳng định thương hiệu của Nhà trường. Những con số thống về kết quả hoạt động KH-CN phần nào phản ánh tiềm năng, nội lực và niềm tin cho những bước đột phá mới trong chặng đường phát triển phía trước của Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên.