Phát huy nguồn lực đội ngũ trí thức khoa học kỹ thuật

11:11, 06/06/2017

Thái Nguyên là địa phương có nguồn nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN) đông đảo, đứng thứ 3 toàn quốc; trong quá trình hoạt động chuyên môn đã hình thành một số hội khoa học và kỹ thuật (KH&KT) chuyên ngành. Đây chính là điều kiện thuận lợi và cũng là yêu cầu khách quan để ngày 7-6-2002, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1632/QĐ-UB cho phép lấy ngày 10-6-2002 là ngày thành lập Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh.

Việc thành lập Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh ( Liên hiệp Hội) là cầu nối tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức KH&CN trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho giới trí thức tham gia đóng góp xây dựng địa phương. 15 năm qua, Liên hiệp Hội đã trải qua 3 kỳ đại hội, ngày càng phát triển cả về số lượng hội thành viên, hội viên và phạm vi hoạt động.

 

Khi mới thành lập, Liên hiệp Hội có 18 hội thành viên với 400 hội viên, đến nay đã nâng lên 24 hội thành viên với tổng số gần 50.300 hội viên; phạm vi hoạt động được mở rộng ra tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Liên hiệp Hội trở thành ngôi nhà chung của đội ngũ trí thức KH&CN, phát huy trí tuệ và sức sáng tạo của các hội viên tham gia xây dựng tỉnh nhà. Cụ thể, trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020), Liên hiệp Hội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các trí thức tham gia xây dựng Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và một số văn bản quan trọng khác. Liên hiệp Hội luôn phát huy vai trò thành viên của Ủy ban MTTQ tỉnh, hàng năm cùng với các đoàn thể chính trị - xã hội ký kết chương trình phối hợp hoạt động giữa các đơn vị. Liên hiệp Hội cũng đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tiến hành giám sát và phản biện xã hội về lĩnh vực KH&CN, việc triển khai thực hiện Luật KH&CN, Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển KH&CN...

 

Từ năm 2013, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật đến cộng đồng, hằng tháng, Liên hiệp Hội đã tổ chức xuất bản “Bản tin phổ biến kiến thức” với số lượng 500 cuốn/số (định kỳ 2 số /tháng). Đây là một trong những hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức KH&CN mang lại hiệu quả thiết thực. Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, riêng giai đoạn (2011-2016) cơ quan thường trực của Liên hiệp Hội đã chủ trì thực hiện 5 đề tài, dự án cấp tỉnh, 5 dự án cấp Nhà nước. Các đề tài, dự án được nghiệm thu đạt loại khá trở lên. Trong đó, Dự án “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Sở hữu trí tuệ trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh” giai đoạn 2012-2013, giai đoạn 2014-2015 đạt loại xuất sắc.

 

Trong hoạt động sáng tạo KH&KT, tôn vinh trí thức KH&CN, định kỳ (2 năm/lần), Liên hiệp Hội là cơ quan thường trực hội thi phối hợp với Sở KH&CN, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Nông dân tỉnh tổ chức chức Hội thi “Sáng tạo kỹ thuật” cấp tỉnh và chỉ đạo các ngành tổ chức hội thi này cấp ngành, đến nay đã tổ chức 8 hội thi đạt kết quả tốt. Kết quả các hội thi sáng tạo kỹ thuật góp phần thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của toàn dân trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Năm 2016, Liên hiệp Hội Thái Nguyên đã xét chọn được đề tài “Nghiên cứu phương án sản xuất tấm chì dương cực từ chì phế và chì thô để sử dụng trong dây chuyền điện phân kẽm” của tác giả Nguyễn Thị Thu Thủy (Công ty cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên VIMICO) đủ điều kiện gửi đi tham dự Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam. Đề tài này đã được trao giải Ba toàn quốc.

 

Đặc biệt, trong giai đoạn vừa qua Liên hiệp Hội đã làm tốt hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội với mục đích phản ánh trung thực, khách quan ý kiến của đội ngũ trí thức KH&CN trên địa bàn đóng góp vào việc xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật và thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các hội thành viên của Liên hiệp Hội luôn chủ động, sáng tạo tổ chức nhiều hoạt động thiết thực thu hút hội viên tham gia, tiêu biểu như Hội Y học lao động,  Hội Nước sạch và môi trường, Hội Sinh vật cảnh…

 

Kết quả trên có được theo đồng chí Chủ tịch Liên hiệp Hội Ma Thị Nguyệt  là do Liên hiệp đã làm tốt công tác tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN thuộc tất cả các thành phần kinh tế. Nhờ vậy, đã khai thác được chất xám của các nhà khoa học đóng góp tích cực vào các lĩnh vực hoạt động của tỉnh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế tri thức, góp phần xây dựng tỉnh phát triển nhanh, mạnh, bền vững.

 

Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động của Liên hiệp Hội cũng còn những hạn chế, thiếu sót, đó là: Chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động và cơ chế quản lý của Liên hiệp Hội và các hội thành viên chưa được đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống. Hiện nay, lực lượng trí thức KH&CN trên địa bàn đứng thứ 3 toàn quốc (với hơn 100 giáo sư, phó giáo sư, trên 500 tiến sĩ, hơn 2.000 thạc sĩ ) nhưng Liên hiệp Hội chưa khai thác, phát huy được hết sức mạnh của đội ngũ này vào quá trình phát triển của địa phương. Hoạt động tôn vinh trí thức, tổ chức diễn đàn khoa học chuyên nghiệp triển khai còn chậm. Đa số thành viên Ban Chấp hành đều kiêm nhiệm, hiện là lãnh đạo các cơ quan, tổ chức khác phải tập trung cho công việc của cơ quan nên thiếu thời gian tập trung cho công việc của Hội…

 

Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn 2017-2021, đồng chí Ma Thị Nguyệt bày tỏ quyết tâm: Để nâng cao năng lực hoạt động, khẳng định vai trò, vị trí của Liên hiệp Hội trong việc tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức KH&CN trong tỉnh, thời gian tới chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để đội ngũ trí thức nhận thức sâu sắc trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, đoàn kết phấn đấu, lao động sáng tạo hoàn thành tốt trọng trách trong thời kỳ mới. Đồng thời, Liên hiệp Hội sẽ có những hình thức tập hợp riêng đội ngũ trí thức trong các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, trường học, các cơ quan nghiên cứu. Thực hiện tốt vai trò điều hoà, phối hợp và trở thành đầu mối hoạt động của các hội thành viên. Tham gia xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy xã hội hoá các hoạt động KH&CN, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng xoá đói giảm nghèo… và hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội. Chủ động đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh những vấn đề liên quan đến KH&CN, giáo dục và đào tạo, nguồn nhân lực. Tăng cường và mở rộng hợp tác trong tỉnh, trong nước và quốc tế…