Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và di động băng rộng sẵn sàng cho công nghệ 5G

15:57, 08/06/2017

Ngày 8/6, tại Hà Nội, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức hội thảo quốc tế về “Quản lý tần số đối với vô tuyến băng rộng và internet kết nối vạn vật (Internet of Thing - IoT)”. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cùng nhiều chuyên gia, đại diện cho các bộ, ngành, doanh nghiệp viễn thông, các cơ quan quản lý tần số của Việt Nam và các nước Pháp, Lào, Myanmar đã tham gia chia sẻ kinh nghiệm và định hướng đối với sự phát triển vô tuyến băng rộng và internet kết nối vạn vật.

Trong kỷ nguyên số, hạ tầng di động băng rộng có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế. Trong đó, công nghệ thông tin và di động băng rộng là nền tảng của các ngành kinh tế mũi nhọn. Tại Việt Nam, thị trường thông tin truyền thông nói chung và thị trường di động nói riêng đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Hiện nay, Việt Nam đã có gần 130 triệu thuê bao di động.

 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, Việt Nam được đánh giá là nước có mật độ phổ biến dịch vụ viễn thông cao so với các nước trên thế giới. Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai cấp phép cung cấp dịch vụ 4G cho 4 nhà mạng. Các nhà mạng đang nhanh chóng triển khai hạ tầng để đi vào hoạt động, phát triển di động băng rộng nhằm đẩy mạnh việc phát triển internet kết nối vạn vật. Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có chính sách hiệu quả nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông nói chung, nhất là đối với băng rộng và di động băng rộng nói riêng.

 

Năm 2016, doanh thu dịch vụ viễn thông ở Việt Nam đạt 365.500 tỷ đồng, đóng góp 34,5% vào tổng nộp ngân sách của ngành, tăng 7,5% so với năm 2015, trong đó có đóng góp rất lớn của thông tin di động. Năm 2017, thông tin di động đã có bước phát triển mới với việc các nhà cung cấp dịch vụ triển khai mạng 4G-LTE trên băng tần 1800MHz khắp cả nước. Bộ Thông tin và Truyền thông đang chuẩn bị đấu giá băng tần 2,6GHz để cấp cho các nhà mạng tiếp tục mở rộng và nâng cao tốc độ mạng 4G, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng.

 

Theo Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan, vô tuyến băng rộng đang là xu hướng phát triển tất yếu của ngành công nghiệp viễn thông. Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đã công bố khuyến nghị về tầm nhìn của công nghệ thông tin di động thế hệ thứ 5 (5G) và dự kiến tháng 10/2017 sẽ thông qua khuyến nghị về yêu cầu kỹ thuật. Để bắt kịp với sự phát triển của công nghệ, ông Đoàn Quang Hoan nhấn mạnh: “Việt Nam cần tránh việc đầu tư không hiệu quả, sử dụng công nghệ lạc hậu khi chuyển từ 4G lên 5G”.

 

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chia sẻ các giải pháp cho công nghệ 5G như phổ tần, phổ tần ưu tiên, phổ tần không cấp phép, các công nghệ, tiêu chuẩn nền tảng cho 5G, đồng thời khuyến cáo các quốc gia phải sớm chuẩn bị chính sách cho 5G và phổ tần số cho 5G.

 

Hiện nay, tốc độ phát triển công nghệ di động rất mạnh mẽ. So với năm 2012 đến nay tốc độ sử dụng dữ liệu tăng gấp 10 lần, so với năm 2006 tăng gấp 100 lần. Các chuyên gia công nghệ ước tính có khoảng 29 tỷ thiết bị được kết nối qua mạng tế bào vào năm 2020 cho thấy nhu cầu sử dụng dữ liệu, kết nối tăng mạnh. Các ứng dụng sử dụng 5G sẽ cho phép các kết nối thống nhất và định hình lại hệ thống các ngành công nghiệp, giải trí, ô tô, điều khiển, an toàn, cứu nạn, dịch vụ hàng hóa, năng lượng, hạ tầng cơ sở, dịch vụ hàng hóa và bán lẻ... tạo ra những thay đổi cơ bản của đời sống xã hội và các lĩnh vực kinh doanh, sản xuất trên nền tảng sử dụng công nghệ kết nối vạn vật./.