Hiệu quả từ việc ứng dụng công nghệ mới

17:44, 17/07/2017

Sau gần 2 năm thực hiện Dự án ứng dụng công nghệ chế phẩm bảo vệ thực vật (BVTV) Anisaf SH và chế phẩm vi sinh xử lý phế thải đồng ruộngVixura trong sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, người dân trong vùng Dự án rất hài lòng với những thành quả đã đạt được.

Được biết, đây là Dự án do Ban Quản lý Dự án phát triển chè (Sở Nông nghiệp và PTNT) chủ trì và Viện Nghiên cứu đào tạo và tư vấn khoa học công nghệ (có trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) là đơn vị chuyển giao. Qua khảo sát, đơn vị thực hiện Dự án đã lựa chọn 37 hộ của xóm 4 và 6, xã Phúc Tân (T.X Phổ Yên) và 28 hộ của xóm Bắc Hà 1 và 2, xã Mỹ Yên (Đại Từ) tham gia với diện tích thực hiện là 10ha.

 

Ông Lê Gia Thà, xóm 4, xã Phúc Tân (T.X Phổ Yên) chia sẻ: Tôi rất lo lắng khi thời điểm bắt đầu sử dụng thuốc trừ sâu thảo mộc Anisaf SH (tháng 7-2015) lại đúng với thời kỳ rầy xanh và bọ cánh tơ phát sinh gây hại với mật độ cao. Trong khi đó, Anisaf SH lại là loại thuốc thảo mộc và mới đưa vào sử dụng nên tôi lo lắng và dùng thêm thuốc trừ sâu hóa học và sinh học. Tuy nhiên, sau 3 tháng sử dụng liên tục loại thuốc BVTV mới này, hiệu quả đạt được rất rõ nét như: hiệu lực phòng trừ rầy xanh khá, tỷ lệ rầy xanh chết sau khi sử dụng thuốc Anisaf SH đạt trung bình 60-70% và có hiệu lực kéo dài sau 5 đến 7 ngày; tỷ lệ bọ cánh tơ chết sau khi sử dụng thuốc từ 55-60%; hiệu lực trừ bọ xít muỗi cao nhất, đạt trên 70% và có hiệu lực kéo dài sau 5 đến 7 ngày.

 

Nếu như thuốc BVTV Anisaf SH có tác dụng hạn chế tác hại của các đối tượng sâu bệnh hại chè, giảm số lần phun thuốc, thì chế phẩm vi sinh xử lý phế thải đồng ruộng Vixura giúp xử lý được lượng thân cành lá chè đốn hằng năm thành phân bón hữu cơ vi sinh, cải tạo đất, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón từ đó giảm chi phí đầu tư ban đầu, làm tăng năng suất, chất lượng chè và tăng hiệu quả sản xuất. Anh Dương Tự Đức, xóm Bắc Hà, xã Mỹ Yên (Đại Từ) cho hay: Chỉ nhìn bằng mắt thường cũng thấy có sự biến chuyển rất rõ rệt khi chúng tôi ứng dụng chế phẩm BVTV Anisaf SH và chế phẩm vi sinh xử lý phế thải đồng ruộng Vixura trong sản xuất chè an toàn. Cụ thể là những nương chè sinh trưởng tốt, chè búp tươi có lá dày, màu xanh đậm, láng bóng, chè khô có hương thơm, vị đậm, ngọt hậu, cánh chè đều và đẹp. Năng suất mỗi ha chè cao hơn hẳn so với các diện tích chè ngoài mô hình từ 14-16,5%.

 

Sau 9 tháng các hộ dân ở hai xã Phúc Tân và Mỹ Yên sử dụng chế phẩm BVTV Anisaf SH và chế phẩm vi sinh xử lý phế thải đồng ruộng Vixura, Ban chủ nhiệm Dự án đã phối hợp với Trung tâm Kiểm định chất lượng hàng hóa và vật tư nông nghiệp tỉnh tiến hành lấy mẫu đất, mẫu nước và mẫu chè tại các hộ sản xuất gửi đi phân tích về các chỉ tiêu kim loại nặng, tồn dư thuốc BVTV làm cơ sở để đánh giá cấp giấy chứng nhận VietGAP. Đồng thời, đánh giá tác dụng của các loại chế phẩm đến đất trồng chè và mức độ tồn dư thuốc BVTV trong mô hình. Anh Nguyễn Đình Thông, Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án phát triển chè nói: Kết quả đạt được đã làm hài lòng 65 hộ dân tham gia khi mẫu đất, mẫu nước, mẫu chè ở cả 2 địa điểm thực hiện mô hình không có tồn dư các loại kim loại nặng và thuốc BVTV, các chỉ tiêu đều trong giới hạn cho phép hoặc không phát hiện. Điều đó chứng tỏ việc sử dụng thường xuyên các loại chế phẩm trong mô hình dự án có tác dụng tích cực đến môi trường đất, nước và sản phẩm chè, dần làm tăng độ phì nhiêu cho đất, tạo môi trường canh tác an toàn, bền vững và hiệu quả.

 

Cùng với những lợi ích trên, theo hạch toán của các hộ tham gia Dự án cho thấy sản xuất chè có ứng dụng các công nghệ mới này cho thu lãi 271 triệu đồng/ha/năm. Với những kết quả đã đạt được, đơn vị chủ trì Dự án mong muốn trong thời gian tới sẽ nhân rộng thành công mô hình ứng dụng dòng chế phẩm BVTV Anisaf SH và chế phẩm xử lý phế thải đồng ruộng Vixura trên địa bàn T.X Phổ Yên và huyện Đại Từ với quy mô từ 30 - 50ha.

 

Anisaf SH có thành phần là Polyphenol được chiết xuất từ các cây bồ kết, hy thiêm, đơn buốt, cúc liên chi dại, không gây độc hại cho cây trồng, vật nuôi, đảm bảo vệ sinh an toàn nông sản và bảo vệ môi trường sinh thái. Còn chế phẩm vi sinh xử lý phế thải đồng ruộng Vixura có tác dụng phân hủy phế thải đồng ruộng (rơm rạ, cây phân xanh, thân cành chè sau khi đốn...) thành mùn để từ đó ủ thành phân bón hữu cơ vi sinh.