Ứng dụng công nghệ bảo quản và nâng cao chất lượng quả vải Lục Ngạn

15:20, 09/07/2017

Vải là cây trồng đặc sản có diện tích và sản lượng lớn tại Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Tuy vậy, quả vải lại nhanh bị hư hỏng sau khi thu hoạch. Do đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bảo quản vải luôn được quan tâm.

Góp phần giảm tổn thất trong quá trình bảo quản sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho người dân tại vùng trồng vải, Viện Hóa học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản và nâng cao chất lượng quả vải Lục Ngạn bằng màng bao gói khí quyển biến đổi” do Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hà chủ trì.

 

Đề tài triển khai dựa trên mục tiêu xây dựng quy trình bảo quản quả vải bằng màng bao gói khí quyển biến đổi (MAP), kéo dài thời gian sử dụng tối đa lên đến 4 tuần mà vẫn giữ nguyên chất lượng và màu sắc quả vải. Đồng thời, đề tài đi sâu vào nghiên cứu kết hợp các phương pháp tiền xử lý và bảo quản vải bằng màng MAP, ảnh hưởng của điều kiện sau bảo quản tới chất lượng và giá trị thương phẩm. Ngoài ra, đề tài đã tối ưu hóa các thông số kỹ thuật của màng MAP và điều kiện bảo quản quả vải. Xây dựng quy trình bảo quản quả vải Lục Ngạn và xây dựng mô hình bảo quản quả vải Lục Ngạn bằng màng bao gói khí quyển biến đổi (MAP) quy mô 5 tấn.

 

Được thực hiện từ tháng 1/2015 đến 8/2016, đề tài đã khảo sát, đánh giá thực trạng công nghệ bảo quản quả vải thiều hiện nay. Màng MAP được chế tạo từ các loại nhựa nhiệt dẻo như polypropylen (PP), polyetylen (LDPE), polyetyle mạch thẳng tỷ trọng trung bình (LMDPE), polytyelen tỷ trọng cao (HDPE). Trong công nghệ chế tạo màng MAP, các loại nhựa này được sử dụng ở dạng nhựa nguyên sinh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Về độ an toàn của sản phẩm, màng MAP đã được phân tích các chỉ số như độ thôi nhiễm và được Cục vệ sinh an toàn thực phẩm cấp phép cho màng bảo quản, hàm lượng hóa chất tiền xử lý có nồng độ thấp hơn nồng độ cho phép của Bộ Tài nguyên Môi trường.

 

Nhóm thực hiện đề tài cũng đã nghiên cứu một số phương pháp sử dụng màng MAP để bảo quản quả vải thiều gồm độ chín quả vải thu hái phù hợp khi đưa vào bảo quản bằng màng MAP là 80 – 85 ngày từ khi đậu quả, xử lý nước nóng ở 47 độ C trong 7 phút giúp giảm tỷ lệ hư hỏng do sinh vật, xử lý quả vải bằng dung dịch Oxalic có PH = 3 trong 6 phút có khả năng duy trì và ổn định màu vỏ quả vải tốt nhất; xây dựng mô hình bảo quản quả vải thiều bằng màng MAP với quy mô 5 tấn sau 30 ngày tỷ lệ hư hỏng là 9,83%. Bên cạnh đó, đề tài đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật ứng dụng màng MAP để bảo quản quả vải thiều và 9 chuyên đề khoa học. Với kết quả đạt được, đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá cao, xếp loại xuất sắc. Kết quả đề tài có tính ứng dụng, thực tiễn cao, có khả năng nhân rộng.