Gỡ khó trong hợp tác khoa học – công nghệ

10:28, 06/10/2017

Tháng 9-2016, UBND tỉnh và Đại học Thái Nguyên đã ký kết “Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giai đoạn 2016-2020” với trị giá 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, việc thực hiện Chương trình hợp tác vẫn còn nhiều vướng mắc.

Sau khi ký kết Chương trình hợp tác, tỉnh Thái Nguyên và Đại học Thái Nguyên đã thường xuyên trao đổi, thảo luận về các nhiệm vụ khoa học – công nghệ, dự kiến đề xuất, trao đổi về quy trình, nội dung và phương thức triển khai thực hiện nhiệm vụ. Sở Khoa học và Công nghệ (cơ quan Thương trực Ban chỉ đạo Chương trình hợp tác) và Đại học Thái Nguyên đã tiến hành thảo luận và lựa chọn nhiệm vụ phù hợp để đề xuất với tỉnh thực hiện.

Sau khi xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, được UBND tỉnh phê duyệt danh mục nhiệm vụ, Sở Khoa học và Công nghệ đã hướng dẫn Đại học Thái Nguyên và các đơn vị thực hiện xây dựng thuyết minh chi tiết và dự toán kinh phí đối với từng nhiệm vụ đã được phê duyệt. Hội đồng Khoa học và công nghệ cấp tỉnh cũng đã được thành lập và đánh giá, đảm bảo tính khách quan và khoa học của từng nhiệm vụ. Kết quả, 2 nhiệm vụ “Xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thái Nguyên” và “Khai thác giá trị văn hóa dân gian nhằm phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên” đã được thống nhất triển khai trong năm 2017. Tuy vậy, đến thời điểm này, cả 2 nhiệm vụ đều chưa được triển khai do còn nhiều vướng mắc.

Đầu tiên phải kể đến là về thủ tục hành chính, theo ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ: Đây là Chương trình hợp tác KH&CN lớn của tỉnh lần đầu tiên được ký kết thực hiện và để đảm bảo được rõ sản phẩm, tính ứng dụng, tính khả thi đối với từng nhiệm vụ, do vậy cần xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các thành viên trong Hội đồng Khoa học và Công nghệ của tỉnh cần có thời gian để nghiên cứu thuyết minh nhiệm vụ,  lấy ý kiến chuyên môn của các sở, ngành liên quan. Việc bổ sung, chỉnh sửa thuyết minh sau khi thông qua Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh cũng mất nhiều thời gian để thực hiện. Các nhiệm vụ KH&CN được đề xuất thực hiện đều có quy mô lớn, dự toán kinh phí phức tạp, định mức chi chưa cụ thể, rõ ràng, dự toán đề xuất sử dụng nhiều kinh phí từ ngân sách Nhà nước của tỉnh nên công tác thẩm định dự toán khó khăn. Tất cả các lý do trên dẫn đến việc phê duyệt các nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình hợp tác năm 2017, đến tháng 10/2017 mới được UBND tỉnh quyết định phê duyệt.

Bên cạnh đó, ở năm đầu tiên thực hiện Chương trình hợp tác, các nhiệm vụ chủ yếu do Đại học Thái Nguyên chủ động đề xuất theo khả năng, điều kiện của đơn vị chứ chưa xuất phát từ nhu cầu của các sở, ngành, địa phương. Điều này dẫn đến tình trạng một số nhiệm vụ KH&CN được đề xuất còn chưa phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, đặc biệt các nhiệm vụ KH&CN liên quan đến phát triển kinh tế, quản lý đô thị, phát triển bền vững... còn rất hạn chế.

Ví dụ như nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo tủ điều khiển thông minh tiết kiệm năng lượng cho hệ thống chiếu sáng đô thị T.P Thái Nguyên” đưa ra mục tiêu tiết kiệm từ 15-20% chi phí so với hiện nay. Khi xây dựng thuyết minh nhiệm vụ, đơn vị chủ trì chưa khảo sát kỹ hệ thống chiếu sáng của thành phố, chưa nắm bắt được thông tin T.P Thái Nguyên đã phê duyệt dự án thay thế toàn bộ hệ thống chiếu sáng từ bóng đèn sợi đốt sang bóng đèn Compac, sẽ tiết kiệm được khoảng 50% chi phí điện năng.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Chương trình hợp tác về nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ giữa UBND tỉnh Thái Nguyên và Đại học Thái Nguyên mới đây, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh đến việc xây dựng quy trình để rút ngắn thời gian thực hiện các bước công việc từ khâu phê duyệt danh mục, tổ chức hội đồng khoa học xét duyệt xét duyệt nội dung, thẩm định kinh phí các nhiệm vụ, song vẫn đảm bảo đúng quy trình khoa học, quy định theo Luật Khoa học và Công nghệ. Đồng thời, yêu cầu Sở Khoa học và Công nghệ và Đại học Thái Nguyên phối hợp nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện quy trình, quy chế hoạt động của Chương trình hợp tác, trong đó, quy định rõ trách nhiệm các bên liên quan; Đại học Thái Nguyên chủ động phân loại, lựa chọn các nhiệm vụ, quan tâm đến tính mới, hiệu quả khoa học, khả năng và phạm vi ứng dụng của các nhiệm vụ để đề xuất với tỉnh.

Có thể khẳng định, Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giai đoạn 2016-2020 là một trong những nội dung quan trọng trong phát triển khoa học công nghệ của tỉnh. Thiết nghĩ, để Chương trình hợp tác thực sự hiệu quả, cần rà soát lại nhu cầu thực tiễn tại các đơn vị, địa phương, căn cứ vào khung chương trình đã được phê duyệt để xây dựng kế hoạch phù hợp và hiệu quả hơn trong giai đoạn tới. Trong đó, ưu tiên triển khai các nội dung chủ yếu: ứng dụng phát triển các công nghệ tiên tiến đã có của giai đoạn trước vào thực tiễn sản xuất nông, lâm, công nghiệp và dịch vụ; lựa chọn triển khai một số dự án ứng dụng công nghệ đã được các địa phương khác triển khai thành công và nghiên cứu để thay đổi phù hợp với tình hình, điều kiện của tỉnh.