Từ phế phẩm đến nhiên liệu thân thiện với môi trường

10:11, 21/10/2017

Lâu nay, mùn cưa, dăm bào, gỗ vụn.. được coi là phế phẩm không còn giá trị. Thế nhưng, phế phẩm này qua sự sáng tạo, bàn tay khéo léo của con người lại có thể biến thành chất đốt thân thiện với môi trường. Viên nén mùn cưa do gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Phương, ở xóm Trại, xã Kha Sơn (Phú Bình) sản xuất mà chúng tôi đề cập trong bài viết này chính là nhiên liệu làm từ phế phẩm ấy.

Trong nhà xưởng rộng hơn 300m2,việc làm viên nén mùn cưa được chị Nguyễn Thị Thanh Phương kể cho chúng tôi nghe ttỉ mỉ. Theo đó, năm 2009, hai vợ chồng chị xem được một số thông tin trên mạng về quy trình sản xuất cũng như những lợi ích của sản phẩm này. Nhận thấy trên địa bàn huyện có rất nhiều xưởng, làng nghề mộc, mỹ nghệ, do vậy lượng mùn cưa, dăm bào luôn dồi dào, chị Phương đã vào miền Nam tìm mua và gửi sản phẩm đến một số trường mầm non sử dụng. Từ những phản hồi tích cực, vợ chồng chị  bắt tay vào tưởng sản xuất và kinh doanh sản phẩm này.

Để có một nhà xưởng vận hành trơn tru như hiện nay, theo chia sẻ của chị Phương là cả một quá trình thử nghiệm, học hỏi và đúc rút kinh nghiệm. Khó khăn lúc bấy giờ là máy móc trên thị trường chủ yếu là máy nhập ngoại công suất lớn, chi phí không hề nhỏ, nguyên liệu đầu vào chưa đủ để đáp ứng. Do vậy, chồng chị (anh Nguyễn Huy Hưng) với nghề cơ khí được đào tạo tại Khoa Chế tạo máy (Trường Cao đẳng nghề Cơ điện - Luyện kim Thái Nguyên) đã mày mò nghiên cứu và chế tạo thành công máy ép mùn cưa với công suất phù hợp với quy mô hộ gia đình. Theo đó, nguyên liệu sau khi được nghiền nhỏ sẽ theo vít tải dẫn tới máy sấy để làm khô (độ ẩm trung bình đạt 10-14%), sau đó đưa vào máy nén với áp suất cao để tạo hình sản phẩm. Thành phẩm là mùn cưa được nén lại và cắt thành từng viên nhỏ bằng đầu đũa với chiều dài trung bình là 40mm. Hiện tại, mỗi tháng, gia đình chị Phương xuất bán ra thị trường khoảng 40 tấn viên nén mùn cưa thành phẩm. Với giá bán trung bình khoảng 2.000 đồng/kg, doanh thu mỗi tháng của gia đình chị đạt 80 triệu đồng. Để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, ngoài 2 vợ chồng, gia đình chị Phương còn thuê 4 lao động thường xuyên với mức thu nhập 3,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Ưu điểm của viên nén mùn cưa so với các loại chất đốt khác chính là khả năng giữ nhiệt lâu và ổn định. Với 1 viên than tổ ong có thể đun được 4 siêu nước đầy (khoảng 8 lít nước), thì 1kg viên nén mùn cưa có thể đun được 6 siêu nước tương tự (khoảng 12 lít nước). Kích thước nhỏ của viên nén rất tiện lợi khi cho vào bếp đun, máy móc thiết bị tạo nhiệt... Ngoài ra, viên nén mùn cưa được đánh giá là một nhiên liệu sinh học rất thân thiện với môi trường. Để sản xuất ổn định, đầu ra cho sản phẩm chính là vẫn đề mà chị Phương quan tâm nhất. Từ chỗ phát miễn phí cho một vài  cơ sở mầm non dùng thử, đến nay, xưởng của chị đã trở thành đầu mối cung cấp thường xuyên cho nhiều trường mầm non trên địa bàn, các hộ dân ở Nga My nấu rượu, một số công ty may ở Hà Nội, Bắc Giang…

Ngoài cung cấp sản phẩm, hiện cơ sở của chị Phương còn tự chế tạo và bán máy sản xuất viên nén mùn cưa. Từ năm 2013 đến nay, cơ sở của chị bán ra thị trường trên 50 chiếc máy. Với giá bán là 176 triệu đồng/chiếc (gồm máy sấy, máy nén và vít tải), khách hàng sẽ được hướng dẫn cách vận hành và sửa chữa cơ bản trước khi đưa máy về sử dụng.

Mặc dù thu nhập ổn định nhờ viên nén mùn cưa thế nhưng việc sản xuất của gia đình chị Phương vẫn gặp không ít khó khăn nhất là nguyên liệu đầu vào. Chị Phương cho biết: Từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch, sản xuất tại các cơ sở mộc mỹ nghệ bị chững lại do các xưởng đi vào hoàn thiện sản phẩm nên nguồn nguyên liệu làm viên nén mùn cưa rất khan hiếm. Thêm vào đó, thói quen sử dụng than, củi để đun nấu đã ăn sâu vào đời sống của người dân địa phương nên việc thay đổi thói quen của họ cũng là thách thức lớn với chúng tôi”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Đình Đức, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Bình cho biết: Mô hình sản xuất viên nén mùn cưa ở xóm Trại, xã Kha Sơn là một trong những mô hình tiểu thủ công nghiệp thể hiện sự năng động, dám nghĩ dám làm của người dân. Ngoài giá trị về kinh tế, việc sản xuất và tiêu dùng viên nén mùn cưa còn có ý nghĩa về mặt môi trường. Chúng tôi luôn khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi họ thực hiện những mô hình như vậy...