Để hạn chế tới mức thấp nhất việc ô nhiễm nguồn nước do nước thải giàu kim loại nặng, giàu chất hữu cơ gây ra trong quá trình sản xuất kim loại màu, từ tháng 7-2016 đến nay, các kỹ sư của Công ty TNHH Một thành viên (MTV) Mỏ và Luyện kim Thái Nguyên đã phát triển một quy trình cải tiến đột phá xử lý nước thải công nghiệp với Đề tài: “Nghiên cứu quy trình công nghệ xử lý nước thải của quá trình làm giàu và nấu luyện thiếc”.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đánh giá cao với phương pháp xử lý kim loại nặng và hóa chất dư bằng hai hệ xúc tác (FeSO4 10% + H2O2 30 %); hệ xúc tác (nano Feo + H2O2 30%) và tổng hợp vật liệu oxi hóa nâng cao (Al/Al2O3/TiO2- Ag) để xử lý nước thải giàu chất hữu cơ ô nhiễm khó phân hủy. Có thể nói, đây là công nghệ xử lý tối ưu nhất hiện nay để xử lý nước thải công nghiệp trong quá trình làm giàu và nấu luyện thiếc tại Công ty TNHH MTV Mỏ và Luyện kim Thái Nguyên đạt các tiêu chuẩn xả thải theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT của Bộ Tài nguyên - Môi trường.
Trao đổi với chúng tôi, Kỹ sư Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm Đề tài cho biết: Trong quá trình làm giàu quặng thiếc, nấu luyện thiếc kim loại... nước thải sinh ra tại các khâu như tuyển nổi, tuyển trọng lực thường chứa nhiều các chất rắn lơ lửng, một số ion kim loại hòa tan, dầu hỏa, hóa chất vô cơ và các hợp chất hữu cơ rất khó phân hủy. Tại kết quả phân tích mẫu nước thải trước khi xử lý tại Công ty cho thấy: Nồng độ các chất gây ô nhiễm trong nước thải vượt giới hạn cho phép so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT nhiều lần. Việc xả các nguồn nước thải từ các cơ sở sản xuất kim loại màu chưa qua xử lý, hoặc chỉ qua xử lý bằng các phương pháp thô sơ làm ô nhiễm nguồn nước, giảm chất lượng nước sinh hoạt, cản trở việc sử dụng lại nguồn nước và các hoạt động khác của con người. Không những vậy, các chất hữu cơ khó phân hủy, hóa chất tồn dư và kim loại nặng còn có khả năng tích tụ trong động thực vật, là nguyên nhân gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
Tuy nhiên hiện nay, các công trình nghiên cứu về xử lý nước thải trong sản xuất luyện kim ở nước ta nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế. Một số giải pháp sản xuất sạch yêu cầu trang thiết bị hiện đại, cồng kềnh, giá thành xử lý cao chưa phù hợp với điều kiện tài chính và thực tế sản xuất của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, Đề tài nghiên cứu trên ứng dụng vật liệu thân thiện với môi trường như: vật liệu xúc tác quang hóa Al/Al2O3/TiO2-Ag; vật liệu Feo nano... là một hướng đi mới cho giải pháp xử lý nước thải giàu hợp chất hữu cơ khó phân hủy và kim loại nặng trong sản xuất của Công ty và các cơ sở luyện kim trên địa bàn.
Theo ông Lê Văn Kiên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Mỏ và Luyện kim Thái Nguyên (một trong 5 tác giả trong Ban Chủ nhiệm Đề tài): Công ty là doanh nghiệp được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp Khoa học - Công nghệ công lập, lĩnh vực hoạt động chủ yếu là nghiên cứu, tư vấn Khoa học công nghệ về chế biến khoáng sản. Trong nhiều năm, qua Công ty đã tập trung nghiên cứu, phát triển sản xuất thử nghiệm để làm cơ sở cho việc triển khai sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm từ khoáng sản có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ xử lý nước thải của quá trình làm giầu và nấu luyện thiếc” do Công ty chủ trì thực hiện với mục tiêu tìm ra quy trình xử lý kim loại nặng và hóa chất dư trong nước thải trong quá trình làm giầu và nấu luyện thiếc tại Công ty.
Trong quá trình thực hiện, các thành viên trong ban chủ nhiệm đề tài đã tiến hành lấy mẫu từ các bể nước thải của quá trình làm giàu và nấu luyện thiếc để thử nghiệm dựa trên hai phương pháp chính là phương pháp kết tủa xử lý kim loại nặng và sử dụng chất xúc tác quang hóa để xử lý các chất hữu cơ. Trong đó, phương pháp kết tủa được xem là phương pháp phổ biến đã được áp dụng; phương pháp sử dụng chất xúc tác quang hóa thông qua ánh sáng mặt trời có thể được xem là một phương pháp mới.
Tại Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở, Đề tài được các thành viên trong Hội đồng đánh giá cao và nhất trí nghiệm thu. Đặc biệt kết quả của Đề tài hoàn toàn có tính thực tiễn, được áp dụng cho chính doanh nghiệp, làm giảm chi phí xử lý nước thải và giảm những tác động ô nhiễm tới môi trường nước. Được đánh giá cao do rất có ý nghĩa thực tiễn và sức thuyết phục cao, trong tháng 12-2017, Đề tài sẽ được Hội đồng Khoa học - Công nghệ tỉnh do TS Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ làm Chủ tịch tổ chức nghiệm thu và đưa vào áp dụng... góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh các cơ sở luyện kim trên địa bàn.