Phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số: Cần thực hiện đồng bộ các chính sách

15:42, 08/12/2017

Chính sách cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, trong đó có chính sách về phát triển giáo dục - đào tạo (GD-ĐT). Những năm qua, nhờ có các chính sách hỗ trợ con em nghèo vùng DTTS, chế độ phụ cấp cho cán bộ, giáo viên, học sinh (HS)... đã góp phần tăng tỷ lệ HS đến trường, góp phần tích cực vào việc phát triển nguồn nhân lực ở khu vực này. Tuy nhiên, từ thực tế tại các địa phương trong tỉnh cho thấy, việc thực hiện chế độ, chính sách cho HS vùng đồng bào DTTS còn chưa kịp thời; chất lượng giáo dục chưa cao, chưa đồng đều giữa các vùng, miền...

Để các chính sách hỗ trợ phát triển GD-ĐT ở vùng DTTS phát huy hiệu quả cao, thời gian qua, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật (KH&KT) tỉnh đã tiến hành khảo sát tại tất cả các huyện, thành, thị trong tỉnh để đánh giá những ưu điểm cũng như hạn chế trong việc thực hiện các chính sách đối với sự nghiệp phát triển giáo dục ở vùng đồng bào DTTS. Tại các địa phương có rất nhiều chương trình, dự án dành cho giáo dục khu vực DTTS được triển khai thực hiện.

Đồng chí Ngô Thượng Chính, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Tính đến năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 85.461/275.736 HS là người DTTS, chiếm tỷ lệ 30,9%. Những năm qua, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn từng bước được đầu tư hoàn chỉnh, với 1 trường THPT cấp tỉnh, 5 trường THCS dân tộc nội trú cấp huyện (mỗi trường có quy mô từ 240-260 HS). Tỷ lệ HS DTTS thuộc các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ĐBKK) đang theo học các trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS đạt gần 50%. Ngành GD-ĐT đã triển khai thực hiện khá tốt các chính sách đặc thù đối với giáo viên, HS đang công tác, học tập tại vùng đồng bào DTTS; tham mưu với tỉnh dành ngân sách đầu tư xây dựng các phòng học kiên cố thay thế phòng học tạm, tranh tre nứa lá tại các xóm, bản vùng sâu, xa. Nhờ đó, tỷ lệ HS bỏ học giảm, đồng thời góp phần nâng cao thể trạng của HS và chất lượng giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn...

Đặc biệt, năm 2016, Sở GD-ĐT đã tham mưu với tỉnh triển khai thực hiện Dự án xóa phòng học tranh tre nứa lá tại các điểm trường. Kết quả đã có 33 phòng học tranh tre nứa lá ở các xã vùng ĐBKK của hai huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ được thay thế bằng phòng học kiên cố, khang trang, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng là trên 20,5 tỷ đồng, giúp cho các em HS DTTS được học tập trong một môi trường đầy đủ hơn. Cùng với việc đầu tư về cơ sở vật chất, chương trình cử tuyển đã góp phần tạo nguồn, hình thành đội ngũ cán bộ từ cấp xã đến cấp tỉnh là người DTTS. Từ năm 2009-2016, tỉnh đã cử trên 100 HS DTTS đi học tại các cơ sở giáo dục đại học.

Đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên công tác ở vùng DTTS cũng có nhiều chính sách động viên, khuyến khích, cụ thể như chính sách hỗ trợ đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, vùng ĐBKK theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP và chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức ở vùng ĐBKK theo Quyết định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ (chỉ tính riêng trong năm học 2016-2017, tỉnh ta đã chi gần 175 tỷ đồng cho các đối tượng được hưởng chính sách này). Qua đó động viên kịp thời về vật chất, tinh thần, cải thiện cuộc sống của cán bộ, giáo viên đang gắn bó ở các điểm trường vùng DTTS yên tâm công tác, thu hút được nhiều người có trình độ chuyên môn tốt lên công tác.

Tuy nhiên, mặt bằng giáo dục, trình độ dân trí của đồng bào các DTTS vẫn còn có khoảng cách đáng kể so với các vùng khác. Chất lượng nguồn nhân lực đồng bào DTTS còn hạn chế, đội ngũ cán bộ DTTS thiếu và một bộ phận yếu về trình độ chuyên môn. Theo đồng chí Thái Văn Cương, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Định Hóa: Khó khăn lớn nhất ở các trường vùng DTTS là tỷ lệ hộ nghèo cao, đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc quan tâm chăm lo cho con em trong học tập. Bên cạnh đó là chất lượng giáo dục đào tạo đối với HS dân tộc chưa cao, chưa đồng đều giữa các vùng miền. Chính sách hỗ trợ tiền ăn cho HS mẫu giáo khu vực đồng bào DTTS hiện nay là rất tốt, tuy nhiên đối với các cháu độ tuổi nhà trẻ lại không được hưởng chế độ này, chưa tạo công bằng trong giáo dục. Đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư mở rộng các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú thu hút nhiều hơn HS con em đồng bào DTTS đến trường. Thực hiện kịp thời hơn nữa các chính sách đối với HS DTTS…

Ngoài những nguyên nhân kể trên, thì tìm hiểu tại các địa phương chúng tôi nhận thấy việc thực hiện chế độ, chính sách cho HS chậm, không kịp thời (hỗ trợ gạo, chi phí học tập). Việc cấp gạo 2 lần/năm như hiện nay không phù hợp, bởi số lượng gạo nhận một lần nhiều, không có nơi bảo quản, ảnh hưởng đến chất lượng, không mang tính kịp thời cho các em HS sử dụng khi đang học tập.Trong chính sách không cấp kinh phí cho việc vận chuyển, phân phối và bốc xếp gạo từ trung tâm huyện về trường học gây khó khăn cho các nhà trường. Một số văn bản chỉ đạo về việc thực hiện các chế độ, chính sách còn chồng chéo, hướng dẫn chưa thống nhất khó xác định các đối tượng thụ hưởng…

Những kiến nghị từ thực tiễn thực hiện các chính sách đối với phát triển GD-ĐT vùng đồng bào DTTS là có cơ sở. Đây sẽ là những nội dung mà Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh bổ sung vào nhiệm vụ khoa học thực hiện tư vấn phản biện năm 2017 để tham mưu cho tỉnh các giải pháp xây dựng cơ chế, chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh để áp dụng có hiệu quả hơn trong thời gian tới. Để các em HS trong vùng DTTS có điều kiện học tập tốt hơn, giảm nhiều tình trạng giáo viên phải vận động HS đến trường, tình trạng HS bỏ học giữa chừng, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện… đó là khẳng định của đồng chí Ma Thị Nguyệt, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh.