Trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang chuyển dần sang nền kinh tế chủ yếu dựa trên tri thức và trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, đội ngũ trí thức nói chung, đặc biệt là đội ngũ trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ngày càng thể hiện vai trò quyết định đối với sự phát triển của mọi quốc gia, vùng lãnh thổ, và đơn vị, tổ chức.
Thái Nguyên, mặc dù là tỉnh miền núi, nhưng có đội ngũ trí thức có số lượng và chất lượng đứng hàng thứ ba toàn quốc (hiện nay đội ngũ trí thức trên địa bàn Thái Nguyên có trên 110 GS, PGS, gần 600 tiến sĩ, trên 2.000 thạc sĩ…). Trong giai đoạn vừa qua, đội ngũ trí thức đã có đóng góp rất quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, vừa giữ vai trò lãnh đạo, điều hành xã hội, vừa trực tiếp tham gia thực hiện những công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn cao.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thái Nguyên (gọi tắt là Liên hiệp hội) với chức năng tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức KH&CN trên địa bàn đã tập hợp và phát huy được sức mạnh của đội ngũ trí thức, tham gia tích cực, có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Nếu như ngày mới thành lập (2002), Liên hiệp Hội chỉ có 18 hội thành viên với 400 hội viên, đến nay (11/2017), đã có 25 hội thành viên với 50.257 hội viên. Phạm vi hoạt động được mở rộng ra tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nội dung hoạt động ngày càng thiết thực và có hiệu quả hơn. Liên hiệp hội đã thực sự trở thành ngôi nhà chung của đội ngũ trí thức KH&CN tỉnh.
Song song với việc tập hợp, phát triển tổ chức, Liên hiệp Hội đã vận động trí thức KH&CN trong tỉnh thực hiện tốt đường lối, chính sách về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức như: Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 21/3/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 05/8/2014 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các tổ chức hội trên địa bàn tỉnh.
Để phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức, Liên hiệp Hội đã tổ chức các loại hình hoạt động khác nhau phù hợp với trình độ, chuyên môn, khả năng của cán bộ khoa học, nhằm triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền- phổ biến kiến thức, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hoạt động sáng tạo kỹ thuật và tư vấn phản biện xã hội. Hầu hết các hội thành viên đều tham gia hoặc chủ trì thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp tỉnh, cấp bộ, dự án quốc tế, dự án chuyển giao công nghệ vào sản xuất và đời sống.... Riêng Cơ quan Thường trực của Liên hiệp Hội, giai đoạn (2011-2016) đã chủ trì thực hiện đã thực hiện 5 đề tài, dự án cấp tỉnh, 5 dự án cấp Bộ. Các hội như: Hội Khoa học Đất (giai đoạn 2015-2016) đã thực hiện 2 đề tài cấp Nhà nước, 2 đề tài cấp bộ, 4 đề tài cấp tỉnh, 7 đề tài cấp đại học, 8 đề tài cấp trường, 2 đề tài hợp tác quốc tế. Hội làm vườn đã tập trung xây dựng các mô hình điểm, những cách làm ăn mới có hiệu quả từ lĩnh vực vườn ao chuồng để hội viên học tập, tham quan và nhân rộng. Hội thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền và tổ chức tập huấn đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho hội viên; phối hợp lựa chọn các loại cây, con phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao đưa vào sản xuất.
Đặc biệt là hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội do Liên hiệp Hội tổ chức trong những năm gần đây đã tập hợp đông đảo các trí thức đóng góp ý kiến vào chủ trương, đường lối, chính sách theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, mời các nhà khoa học tham gia các hội đồng tư vấn, thẩm định. Từ năm 2015 đến nay, Liên hiệp hội đã tổ chức tư vấn, phản biện độc lập một số vấn đề: “Tư vấn, phản biện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số”, “Đánh giá hệ thống cơ chế chính sách về Khoa học và Công nghệ của tỉnh Thái Nguyên”, “Tư vấn, phản biện về quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030”, “Đánh giá hệ thống cơ chế chính sách về Giáo dục và Đào tạo vùng dân tộc thiểu số”… đóng góp có hiệu quả vào việc xây dựng và thực hiện các chính sách trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì vai trò của Liên hiệp Hội trong tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức KH&CN trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Với chức năng điều hòa hoạt động của các Hội thành viên, Liên hiệp Hội chưa tổ chức được nhiều hoạt động nhằm gắn kết được nhiều hoạt động của các hội thành viên với nhau. Việc định hướng hoạt động cho đội ngũ trí thức còn chưa đa dạng nên chưa phát huy hết được trí tuệ của đội ngũ trí thức KH&CN trên địa bàn.
Để khắc phục tình trạng này, trao đổi cùng chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vỵ, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh khẳng định: Bám sát vào mục tiêu tổng quát tại Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 là “…phát triển kinh tế nhanh và bền vững, xây dựng Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc về phát triển công nghiệp, dịch vụ, y tế và giáo dục - đào tạo”, thời gian tới Liên hiệp Hội sẽ tìm cách khắc phục những hạn chế trong tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức trên địa bàn, đồng thời tìm tòi các mô hình hoạt động phù hợp với trình độ, chuyên môn, tuổi tác… phù hợp đặc điểm của đội ngũ trí thức tỉnh để phát huy được tối đa sức mạnh của đội ngũ trí thức, góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội tỉnh giai đoạn 2015-2020. Liên hiệp Hội mong muốn nhận được nhiều sự quan tâm nhiều hơn nữa của lãnh đạo tỉnh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ trí thức và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh.