Ứng dụng mô hình công nghệ mới xử lý môi trường

13:47, 22/12/2017

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường chăn nuôi, rác và nước thải trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sinh hoạt của người dân. Mới đây, các nhà khoa học tại Trung tâm Vật liệu mới kết hợp với Hội làm vườn thành phố Hà Nội thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội đã nghiên cứu và phát triển thành công đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ mới vào xử lý môi trường chăn nuôi, rác và nước thải trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn và đảo Trường Sa”, nhằm giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường ở nông thôn, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

* Mô hình tiềm năng

Theo Kỹ sư Bùi Công Khê, Giám đốc Trung tâm Vật liệu mới, Chủ nhiệm đề tài, để có mô hình xử lý môi trường trong chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi gia súc gia cầm, ao hồ nuôi thủy đặc sản và xử lý môi trường rác thải công cộng ở các nơi tập kết trước khi chuyển đến nơi tập trung, nhóm nghiên cứu đã áp dụng các chế phẩm thân thiện với môi trường dựa trên hoạt tính sinh học cao, an toàn tuyệt đối, không độc, không mùi đặc trưng chất sát trùng diệt khuẩn. Chế phẩm được sử dụng là dung dịch polyme diệt khuẩn AD (Medipag - 20) là hoạt chất diệt khuẩn dạng polyme muối cao phân tử từ Polyhexanmethylene Guanidine và bột kích hoạt vi sinh Bioaktiv-Eco là chất phấn đá thiên nhiên CaCO3 96,2%; các chất khác (MgCO3, SiO2, Al2O3, Fe2O3, Na2O) 3,8% và nhiều vi lượng khác, được chế tạo bằng công nghệ CHLB Đức. Đây cũng là hai chế phẩm lần đầu tiên được Trung tâm Vật liệu mới nghiên cứu thành công và chế tạo tại Việt Nam giúp giảm mùi hôi thối của rác thải và nước thải.

Ngoài hiệu quả về mặt công nghệ, chế phẩm mới này còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá thành hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam. Chính vì thế năm 2014, ngay sau khi đề tài được ứng dụng, Hội làm vườn thành phố Hà Nội đã phối hợp cùng trung tâm để đưa về xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm cùng một số địa phương có nhiều hộ dân chăn nuôi bò ở huyện Quốc Oai, Sóc Sơn.

Về mặt kỹ thuật ứng dụng rất dễ sử dụng, không đòi hỏi máy móc thiết bị chuyên dụng, sau khi được hướng dẫn, các hội viên, nông dân có thể sử dụng thành thạo các thao tác. Nhóm nghiên cứu cũng đã tổ chức 7 lớp tập huấn với 420 người tham dự và chuyển giao công nghệ cho nhiều nơi trên cả nước.

* Cần được nhân rộng

Ông Đặng Thế Quân, Chủ tịch HĐND xã Phù Đổng cho biết, từ năm 2012 mô hình này đã được ứng dụng nhiều nơi trên cả nước. Cụ thể tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, sau 4 tháng triển khai mô hình cho 40 hộ/777 hộ có chăn nuôi bò sữa, kết quả đạt được sau các đợt thử nghiệm thông qua sử dụng dung dịch diệt khuẩn AD và bột kích hoạt Bioaktiv-Eco, được các hộ sử dụng đánh giá cao chế phẩm diệt khuẩn, khử mùi và vệ sinh chuồng trại, khu nhà ở xung quanh khu chăn nuôi, cống rãnh thoát nước và các dụng cụ vắt sữa, sữa tươi đều sạch đảm bảo an toàn vệ sinh, các hộ chăn nuôi bò sữa không còn gây ảnh hưởng lớn đến môi trường cộng đồng.

Tại các điểm thực nghiệm ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai; hai xã Phú Cường và Bắc Phú, huyện Sóc Sơn; xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh; xã Lâm Điền, huyện Chương Mỹ đều có mô hình phạm vi 20-40 hộ thực hiện. Các hộ được làm thử nghiệm cũng đạt được kết quả tốt, được nông dân, hội viên đánh giá cao về hiệu quả diệt khuẩn, khử mùi hôi thối của dung dịch diệt khuẩn AD và bột kích hoạt Bioaktiv-Eco. Không còn hiện tượng cá, ếch, ba ba ngoi lên mặt nước vì thiếu oxy, nguồn nước trong sạch. Chế phẩm này không gây độc hại cho sức khỏe con người và gia súc. Gia súc, gia cầm sinh trưởng và phát triển tốt hơn, tăng khả năng chống chịu dịch bệnh. Sản phẩm thịt, sữa an toàn, chất lượng sản phẩm được nâng cao, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất theo chương trình Viet GAP.

Ngoài ra, mô hình đã xử lý ô nhiễm môi trường tại bãi tập kết rác ở xã Quảng Bị và bước đầu cho kết quả tốt, nhóm nghiên cứu đã đề xuất phương án đảm bảo ổn định lâu dài cho xã để xây dựng đề án trình UBND huyện Chương Mỹ. Đáng chú ý là mô hình này cũng lần đầu tiên ứng dụng thành công tại đảo Trường Sa Đông và Đá Tây để xử lý môi trường khu vực chăn nuôi, khu vệ sinh, bãi rác. Các chế phẩm được dùng tại Trường Sa Đông và Đá Tây là hoàn toàn phù hợp với các đảo của huyện đảo Trường Sa, an toàn với người sử dụng và vật nuôi.

Chủ tịch Liên hiệp hội Hà Nội, Giáo sư Vũ Hoan đánh giá: Đây là mô hình ứng dụng công nghệ mới, với chế phẩm polymer diệt khuẩn có hoạt tính sinh học cao lần đầu tiên được ứng dụng ở Việt Nam, có tính thân thiện môi trường, loại trừ và thay thế các phương pháp công nghệ cũ với các hóa chất độc hại trong quá trình xử lý. Ngoài hiệu quả về mặt công nghệ, mô hình mới này mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá thành hợp lý, phù hợp với kinh tế Việt Nam; đồng thời góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng ở nông thôn và góp phần xây dựng nông thôn mới. Mới đây, đề tài này đoạt giải Khuyến khích Vifotec năm 2016 trong lĩnh vực công nghệ môi trường./.