Những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) được đánh giá là nhân tố tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để hiểu rõ hơn về hoạt động KH&CN trong năm 2017 và các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KH&CN.
P.V: Xin ông cho biết những điểm nhấn trong công tác quản lý, hỗ trợ hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
Tiến sĩ Phạm Quốc Chính: Trong thời gian qua, KH&CN đang từng bước thể hiện được vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với cả nước, hoạt động KH&CN của tỉnh đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Để có được những kết quả tích cực, công tác quản lý, hỗ trợ hoạt động KH&CN trên địa bàn đã được tỉnh đặc biệt coi trọng. Điểm nổi bật đầu tiên phải kể đến là việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động KH&CN của tỉnh. Trong quá trình triển khai các hoạt động KH&CN đã nảy sinh các vấn đề vượt ra khỏi các quy định, quy phạm hiện hành. Do vậy, chúng tôi phải liên tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, cập nhật các quy định mới cho phù hợp với điều kiện thực tế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động KH&CN phát triển.
Điểm nhấn thứ hai là sự hỗ trợ của hoạt động KH&CN trong lĩnh vực cải cách hành chính của tỉnh. Trong năm 2017, chúng tôi đã chỉ đạo, hỗ trợ xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001-2015 vào 100% các cơ quan hành chính nhà nước cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Điều này đã giúp cấp chính quyền nhỏ nhất trong hệ thống hành chính nhà nước có những đột phá trong vận hành bộ máy một cách khoa học và hiệu quả.
Điểm nhấn thứ ba là hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Trong năm 2017, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ tại Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan. Đây là một khẳng định đối với uy tín, chất lượng, danh tiếng và giá trị của chè Thái Nguyên trên thị trường thế giới, đồng thời là điều kiện rất thuận lợi để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu chè Thái Nguyên trong thời gian tới.
Điểm nhấn thứ tư là sự bứt phá trong việc tham mưu, tư vấn cho UBND tỉnh cho triển khai một số dự án KH&CN có quy mô lớn nhất từ trước đến nay nhằm ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như Dự án “Ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình nuöi trai nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại tỉnh Thái Nguyên"; Dự án “Thu thập lưu giữ, định danh một số loài lan rừng phục vụ công tác bảo tồn nguồn gen và xây dựng bảo tàng các loài lan rừng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”, các dự án thuộc Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa tỉnh Thái Nguyên và Đại học Thái Nguyên.
Điểm nhấn cuối cùng là tích cực khởi động, phát động, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đầu tư khai thác các tài sản trí tuệ, công nghệ mới, mô hình sản xuất - kinh doanh có khả năng tăng trưởng nhanh... đã tạo ra phong trào khởi nghiệp rộng khắp trên toàn tỉnh, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
P.V: Việc ứng dụng KH&CN thời gian qua đã mang lại những kết quả gì? Những kết quả đó đã tác động như thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh, thưa ông?
Tiến sĩ Phạm Quốc Chính: Phải khẳng định rằng, hoạt động KH&CN đã đóng góp đáng kể trong sự tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh Thái Nguyên. Theo tính toán, trong giai đoạn 2011-2015, sự đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) cho tăng trưởng GRDP của tỉnh là 26,8%. Điều đó đã khẳng định rằng, bên cạnh các yếu tố vốn, lao động... thì KH&CN chiếm tỷ trọng rất cao. KH&CN đã tác động đến đầu vào của quá trình sản xuất, cũng như trong chuỗi giá trị của sản xuất hàng hóa, đầu ra của sản phẩm. Cả chu trình sản xuất, không có yếu tố nào là vắng bóng KH&CN. Những công nghệ sạch, tiên tiến được ứng dụng đã tạo ra nền sản xuất sạch, an toàn, bền vững. KH&CN đã góp phần tạo ra một bức tranh kinh tế - xã hội với gam màu tươi sáng hơn trong năm 2017 vừa qua.
P.V: Vậy xin ông cho biết thách thức lớn nhất trong việc ứng dụng KH&CN hiện nay là gì?
Tiến sĩ Phạm Quốc Chính: Thiếu nguồn lực về tài chính để đầu tư cho KH&CN là thách thức lớn nhất. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN thì không thể đáp ứng được những đòi hỏi đặt ra cho hoạt động đổi mới, ứng dụng tiến bộ KH&CN. Đã đến lúc cần có sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp sản xuất, phải tự hình thành quỹ phát triển KH&CN để thực hiện hoạt động nghiên cứu, cải tiến và đổi mới công nghệ của chính doanh nghiệp mình hoặc cùng nhau hỗ trợ hoạt động đổi mới của cả chuỗi sản xuất khép kín, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, mới tạo sự bền vững trong hoạt động KH&CN.
P.V: Ông đánh giá như thế nào về đội ngũ những người làm KH&CN của tỉnh hiện nay?
Tiến sĩ Phạm Quốc Chính: Không thể phủ nhận đội ngũ những người làm KH&CN hiện nay đã được tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực để có thể giải quyết những vấn đề bức thiết về kinh tế - xã hội mà thực tiễn đặt ra. Cũng phải thừa nhận rằng, từ lý thuyết đến thực tiễn là cả một quá trình dài, gian nan và khó khăn. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta chùn bước, không vì thế mà chúng ta không tự làm mới, tự nâng cao nội lực của đội ngũ nhân lực KH&CN để dần đáp ứng được mong mỏi, yêu cầu đặt ra của toàn xã hội.
P.V: Trong thời gian tới, đẻ lĩnh vực KH&CN của tỉnh phát triển mạnh hơn, theo ông cần tập trung thực hiện những giải pháp nào?
Tiến sĩ Phạm Quốc Chính: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp để hoạt động KH&CN phát triển nhanh và mạnh hơn nữa, tạo đà cho tất cả các lĩnh vực cùng phát triển. Cụ thể là:
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý các nhiệm vụ KH&CN, cơ chế tài chính cho hoạt đông KH&CN, đặc biệt là khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã hình thành quỹ phát triển KH&CN và tăng cường cơ chế kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với những tổ chức, doanh nghiệp không chấp hành quy định về trích lập quỹ phát triển KH&CN.
- Ư tiên lựa chọn và đẩy nhanh việc thực hiện những nhiệm vụ KH&CN có đóng góp nhiều cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, nhất là những mô hình kinh tế hiện nay có năng suất thấp trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ, coi doanh nghiệp là trọng tâm của đổi mới sáng tạo.
- Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng KH&CN theo hướng hiện đại, đồng bộ gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH&CN, thực hiện tốt các chương trình, dự án theo quy hoạch phát triển KH&CN đến năm 2025, tầm nhìn 2030 làm cho KH&CN thực sự đóng góp vào nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế.
P.V: Xin cảm ơn ông!