Kế hoạch thả thí điểm muỗi mang Wolbachia tại xã Vĩnh Lương (TP Nha Trang) nhằm phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue nằm trong Dự án Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết đã được Bộ Y tế phê duyệt từ ngày 8-1.
Ông Nguyễn Bình Nguyên, Điều phối viên thực địa Dự án Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam cho biết, thời gian thả muỗi dự kiến bắt đầu từ tháng 3, kéo dài trong 12 đến 18 tuần và thực hiện thí điểm tại tám thôn trung tâm xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang (các thôn Lương Sơn 1-2-3, Văn Đăng 1-2-3 và Võ Tánh 1-2).
Dự án đã lập bản đồ phân chia trên 200 ô thả muỗi trong khu vực, mỗi ô có kích thước 50mx50m (diện tích 2.500m2). Mỗi tuần, dự án sẽ thả khoảng 100 con muỗi vào mỗi ô, tương ứng với mức thả trung bình là một con muỗi/25m2/tuần.
Tuy nhiên, trước khi tiến hành thả muỗi, các chuyên gia dự án sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông và tham vấn cộng đồng (phát tờ rơi đến các gia đình, tổ chức họp, lấy ý kiến người dân...). Sau đó sẽ khảo sát về mức độ nhận thức của người dân về phương pháp này và lấy phiếu đồng thuận ở 370 gia đình chọn ngẫu nhiên trong khu vực... Việc thả muỗi Wolbachia chỉ được tiến hành sau khi có được sự đồng thuận cao của cộng đồng (từ 80% trở lên).
Kế hoạch ban đầu của dự án là năm 2017 thả muỗi Wolbachia thí điểm ở bốn phường Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường và Phước Long của thành phố Nha Trang, sau đó mở rộng trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, kế hoạch này về sau thay đổi, tiến hành thả muỗi Wolbachia đầu tiên ở xã Vĩnh Lương và đánh giá kết quả, sau đó mới triển khai tiếp ở các phường tại Nha Trang.
Dự án Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chủ trì, phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế Khánh Hoà thực hiện từ năm 2006. Dự án này được tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật từ Đại học Monash (Australia) trong khuôn khổ Chương trình loại trừ sốt xuất huyết toàn cầu.
Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới triển khai nghiên cứu thí điểm thả muỗi Wolbachia trên thực địa, cụ thể là tại đảo Trí Nguyên (thuộc phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) vào năm 2013 và 2014. Muỗi Wolbachia đã được thả tại các hộ gia đình trên đảo Trí Nguyên hai đợt, vào tháng 4 đến tháng 9-2013 và tháng 5 đến tháng 11-2014.
Kết quả giám sát dịch tễ các năm gần đây cho thấy, trong khi số ca mắc sốt xuất huyết ở TP Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa đều ở mức rất cao, thì riêng tại đảo Trí Nguyên từ khi kết thúc thả muỗi Wolbachia năm 2014 đến nay, chưa xảy ra bất cứ ổ dịch sốt xuất huyết tập trung nào. Tháng 8-2016, kết quả nghiên cứu thí điểm ứng dụng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia trên đảo Trí Nguyên đã được Bộ Y tế nghiệm thu về tính an toàn, khả năng ức chế virus Dengue.
Việc thả muỗi trong cộng đồng dân cư đã được triển khai ở Australia (2011), Việt Nam (2013), Indonesia, Brazil và Colombia (2014). Australia, Indonesia đã triển khai trên diện rộng ở một số thành phố. Gần đây Brazil đã thả muỗi Wolbachia ở thủ đô Rio de Janeiro. Ấn Độ, Sri Lanka và một số quốc đảo ở Thái Bình Dương cũng bắt đầu tham gia chương trình.
Ông Nguyễn Bình Nguyên cho biết, muỗi vằn mang Wolbachia mà dự án sử dụng để thả ở thực địa là muỗi có nguồn gốc địa phương, có vi khuẩn Wolbachia nhờ quá trình lai nhiều thế hệ muỗi đực địa phương với một số muỗi cái mang Wolbachia ban đầu. Chúng có các đặc điểm hình thái và thói quen sinh dưỡng giống như muỗi vằn tự nhiên (muỗi cái tìm hút máu người để có chất dinh dưỡng cần thiết cho trứng của chúng, muỗi đực chỉ ăn mật hoa/nước trái cây). Phương pháp Wolbachia có thể áp dụng đồng thời với các biện pháp khác nhằm phòng bệnh sốt xuất huyết và Zika.
Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo vì không có phương pháp nào có hiệu quả tuyệt đối (100%) và trong cộng đồng vẫn có thể tồn tại một tỷ lệ muỗi vằn không mang Wolbachia, vì thế người dân vẫn nên áp dụng các biện pháp phòng tránh muỗi đốt và xua, diệt muỗi thường áp dụng trong gia đình.