Ngày 6/2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Nghị quyết đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo (ĐMST) của đất nước. Trong đó, mục tiêu về chỉ số ĐMST đến năm 2020 của nước ta phải đạt trung bình trong nhóm các nước ASEAN 5.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, Chính phủ đã giao trách nhiệm cho từng bộ, ngành, địa phương trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện các giải pháp cải thiện từng chỉ số cụ thể về ĐMST. Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) được giao làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về ĐMST.
Trong những năm qua, thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng của cả nước nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng chủ yếu dựa trên vốn đầu tư và lao động. Số lao động ngày càng tăng và các doanh nghiệp (DN) đầu tư ngày càng nhiều vào máy móc, thiết bị. Hiện nay, đã đến lúc tăng trưởng kinh tế phải dựa ngày càng nhiều vào năng suất các nhân tố tổng hợp, trong đó việc xây dựng hệ sinh thái ĐMST phát triển bền vững, tạo môi trường thuận lợi cho ươm tạo và phát triển các ý tưởng ĐMST là yếu tố then chốt để phát huy vai trò của KH-CN trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trong phương pháp Chỉ số ĐMST toàn cầu (GII), ĐMST được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là ĐMST dựa trên nghiên cứu và phát triển mà còn là những ĐMST về tổ chức, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật của người dân… Cách tiếp cận này thể hiện quan điểm năng lực ĐMST của mỗi quốc gia có liên hệ mật thiết với trình độ phát triển và hiệu quả hoạt động của hệ thống ĐMST của quốc gia đó và sự kết nối với các quốc gia hay nền kinh tế khác. Năm 2017, chỉ số ĐMST toàn cầu của Việt Nam được xếp hạng 47/127 quốc gia và nền kinh tế, tăng 12 vị trí so với năm 2016. |
Nhận thức được tầm quan trọng của ĐMST đối với sự phát triển KH-CN và để khuyến khích, thúc đẩy ĐMST, ngày 30/6/2017, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh đến năm 2025 với mục tiêu: Thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và hoạt động khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đối tượng là các cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp, DN khởi nghiệp. Các hoạt động hỗ trợ cụ thể như: Hỗ trợ sử dụng các dịch vụ KH-CN, hỗ trợ thông tin, tuyên truyền, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư từ các Quỹ đầu tư tài chính, hỗ trợ thực hiện thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao công nghệ, hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới...
Trong thời gian tới, muốn thúc đây hoạt động ĐMST mạnh mẽ hơn nữa, rất cần nhìn nhận khách quan về những tồn tại, hạn chế của chúng ta để có những hoạch định, chính sách phù hợp. Đó là: Nguồn nhân lực - “chìa khóa” thành công đối với ĐMST còn thiếu về số lượng và chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng; giáo dục và đào tạo còn có những mặt hạn chế, thường quá tập trung vào lý thuyết nên không đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động. Hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các DN còn rất khiêm tốn. Nếu DN đầu tư hạn chế hoặc không có đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển thì sẽ rất khó có ĐMST.
Muốn khuyến khích ĐMST cần có nguồn tài chính. Năm 2017, tỉnh Thái Nguyên chi cho hoạt động KH-CN chỉ chiếm khoảng 0,4% ngân sách Nhà nước. Ngân sách Nhà nước vẫn là nguồn đầu tư chính cho hoạt động KH-CN, trong đó có ĐMST. Tuy vậy, hiện nay kể cả ở Trung ương cũng như tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa có những định mức cụ thể trong việc hỗ trợ hoạt động ĐMST với vai trò như người “nhóm lửa” thúc đẩy hoạt động và phát triển phong trào khởi nghiệp ĐMST, nhất là đối với tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên, các DN trẻ, DN khởi nghiệp... Đã đến lúc phải có những hành động quyết liệt, hiệu quả đối với ĐMST. Việc nâng cao năng lực ĐMST trở nên cấp thiết để các DN có thể nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để đáp ứng đòi hỏi sắp tới, cần đẩy mạnh đầu tư vào KH-CN và ĐMST nhằm tăng cường, hợp lý hoá và điều chỉnh hệ thống ĐMST theo hướng tập trung hơn vào các DN. Đặt DN vào trung tâm của hệ thống ĐMST.
Đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong các tổ chức KH-CN; khuyến khích DN trong mọi thànhphần kinh tế tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ. Tập trung hỗ trợ DN nghiên cứu đổi mới công nghệ phục vụ phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của DN.
Tăng cường thực hiện có hiệu quả các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng vào cuộc sống thông qua các hoạt động hợp tác giữa tỉnh, các trường đại học và các DN. Xây dựng cơ chế thúc đẩy chuyển giao công nghệ và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của trường đại học. Xây dựng cơ chế tài trợ, hỗ trợ cho các sáng kiến nghiên cứu và phát triển. Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích nhu cầu đổi mới công nghệ, nghiên cứu và triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của DN.
Xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của các DN dựa trên tri thức và các DN KH-CN. Một vấn đề hết sức quan trọng nữa đó là cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình, phương pháp giáo dục từ bậc học phổ thông đến giáo dục đại học; tổ chức tuyên truyền giáo dục ý thức, kiến thức cơ bản về khởi sự và khởi nghiệp ĐMST, các chương trình ĐMST Quốc gia cho các trường phổ thông, trường đại học trên địa bàn tỉnh; kết nối đưa thanh niên, sinh viên giỏi, có ý tưởng và mong muốn khởi nghiệp thực tập tại các DN khởi nghiệp; khuyến khích các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh phối hợp với các hiệp hội, hội DN và các cơ quan, đơn vị có liên quan thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp... Có như vậy mới thúc đẩy hoạt động ĐMST thành phong trào rộng khắp và đi vào thực chất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.