Các kỹ thuật bức xạ ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như: y tế, công nghiệp, nông nghiệp, nghiên cứu, đào tạo, nhất là trong y tế và công nghiệp, với số lượng giấy phép tiến hành công việc bức xạ cấp mới tăng qua các năm. Các thiết bị bức xạ tiên tiến sử dụng trong y tế đã góp phần nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh, nhưng cũng là thách thức cho công tác quản lý nhà nước nhằm bảo đảm an toàn bức xạ.
Thời gian qua, các ứng dụng bức xạ đã được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở y tế để chẩn đoán, điều trị bệnh, tạo nên ba chuyên ngành là chẩn đoán hình ảnh, y học hạt nhân và xạ trị ung thư. Thực hiện Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong y tế đến năm 2020 tại Quyết định số 1958/QĐ-TTg ngày 4-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ, nước ta đang và sẽ xây dựng năm trung tâm xạ trị - y học hạt nhân trọng điểm trên cả nước, bao gồm: Trung tâm Xạ trị T.Ư tại Bệnh viện K, Trung tâm Y học hạt nhân và xạ trị tại Bệnh viện T.Ư quân đội 108 và các trung tâm tại các bệnh viện: Ung bướu TP Hồ Chí Minh, Ung bướu Đà Nẵng, đa khoa Kiên Giang. Mục tiêu đến năm 2020, 80% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cơ sở y học hạt nhân và cơ sở ung bướu có thiết bị xạ trị. Toàn quốc đạt tỷ lệ ít nhất 1 thiết bị xạ trị và 1 thiết bị xạ hình trên 1 triệu dân. Số liệu thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) cho thấy, đến hết năm 2017, ngành y tế có hơn 1.400 cơ sở tiến hành công việc bức xạ, chiếm khoảng 54% tổng số cơ sở sử dụng bức xạ của tất cả các ngành trong cả nước.
Theo Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH và CN), số lượng nguồn bức xạ, thiết bị bức xạ ứng dụng trong y tế rất lớn, nhưng đến nay chưa xảy ra sự cố gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng, an toàn và an ninh xã hội. Các chất thải phóng xạ của bệnh viện hầu hết được lưu trữ tại khu vực kiểm soát, loại thải chất phóng xạ theo đúng quy định. Các chất thải phóng xạ rắn, lỏng, khí được thải vào môi trường sau khi đã kiểm tra đạt được các giới hạn cho phép theo quy định. Đối với các vật liệu rắn bị nhiễm bẩn phóng xạ như ống tiêm, thủy tinh vỡ đều được các bệnh viện đựng trong bao bì riêng biệt và được đặt trong thùng kim loại. Các bể chứa thải tại các bệnh viện được xây dựng ở nơi riêng biệt, được che chắn và bảo vệ để chờ phân rã phóng xạ đến mức nhỏ hơn quy định, trước khi thải ra như rác thường. Các cơ sở y học hạt nhân và xạ trị được trang bị cơ bản đủ các thiết bị bảo đảm an toàn theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT như: máy đo nhiễm bẩn, máy đo suất liều, các trang thiết bị ứng phó sự cố…
Tuy vậy, thực tế kiểm tra tại một số địa phương có sử dụng nhiều thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế cho thấy, vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn bức xạ. Phó Giám đốc Sở KH và CN Hà Nội Phạm Trung Chính cho biết, tại TP Hà Nội, một số cơ sở sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế không có giấy phép tiến hành công việc bức xạ, không tổ chức đánh giá liều chiếu xạ cá nhân cho nhân viên bức xạ ít nhất 3 tháng 1 lần tại cơ sở có chức năng. Việc khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên bức xạ y tế được hướng dẫn tại Thông tư số 19/2011/TT-BYT nhưng hiện nay, thông tư nêu trên đã hết hiệu lực, chưa có hướng dẫn mới, gây khó khăn cho công tác triển khai. Một số cơ sở khám, chữa bệnh lắp đặt thiết bị X-quang trong phòng không bảo đảm về kích thước theo quy định tại Thông tư số 13/2014/TTLT-KHCN-BYT. Thí dụ, tại tỉnh Quảng Ninh, có 20 phòng đặt thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế chưa bảo đảm kích thước; tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng có tình trạng tương tự. Với những trường hợp này, các Sở KH và CN từ chối cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ, nhưng thực tế một số kết quả đo kiểm xạ môi trường vẫn đạt, các cơ sở y tế có kiến nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định về diện tích phòng đặt thiết bị bức xạ phù hợp với từng loại thiết bị. Nhiều Sở KH và CN cho rằng, cần sớm tháo gỡ vướng mắc này, tránh tình trạng sử dụng thiết bị bức xạ chui, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Nêu những lo ngại trong công tác quản lý an toàn bức xạ tại các cơ sở y tế, đại diện Sở KH và CN TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện chưa có quy định của ngành y tế về giới hạn chỉ định chụp X-quang, cho nên có thể dẫn đến lạm dụng chụp, vô tình gây rủi ro về bức xạ cho người bệnh. Việc tuân thủ một số quy định về an toàn bức xạ như che chắn các bộ phận nhạy cảm với bức xạ cho người bệnh trong quá trình chụp chưa được thực hiện nghiêm túc, với 68% cơ sở y tế không thực hiện yêu cầu này. Cán bộ phụ trách công tác an toàn bức xạ tại các bệnh viện phần lớn là cán bộ kiêm nhiệm, chưa quan tâm thích đáng đến công tác bảo đảm an toàn, an ninh và ứng phó sự cố bức xạ. Vấn đề đào tạo bài bản, cấp chứng chỉ hành nghề và chính thức hóa chức danh kỹ sư vật lý y học chưa có kế hoạch triển khai tại các cơ sở y tế.
Trước những bất cập hiện nay, một số chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với cơ sở chưa thực hiện tốt công tác quản lý, bảo đảm an toàn thiết bị bức xạ; đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ phụ trách an toàn bức xạ. Về lâu dài, cần bảo đảm các cơ sở y tế sử dụng thiết bị bức xạ có đủ cán bộ đã qua đào tạo cơ bản, chính quy, trở thành những cán bộ vật lý y học có trình độ, nhằm tiến hành các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị bệnh bằng bức xạ hiệu quả, an toàn.