Lần đầu tiên trên thế giới, các nhà khoa học tại Đại học Tel Aviv (Israel) đã ứng dụng thành công công nghệ in ba chiều (3D) để tạo ra một quả tim có cả mô và mạch máu để cấy ghép trên cơ thể người.
Tại buổi công bố diễn ra ngày 15/4 ở Đại học Tel Aviv, trưởng nhóm nghiên cứu Tal Dvir đã cho mọi người cùng chiêm ngưỡng một trái tim có kích thước bằng một quả anh đào, được đựng trong một khối chất lỏng.
Theo ông Tal Dvir, quả tim có đầy đủ các tế bào, mạch máu và tâm thất. Trước đây, đã từng có một nhóm các nhà khoa học chế tác thành công một quả tim bằng công nghệ in 3D nhưng nó không có các tế bào hoặc mạch máu.
Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định vẫn còn nhiều thách thức trước khi quả tim có thể hoạt động hoàn toàn và sẵn sàng để cấy ghép cho bệnh nhân. Các nhà khoa học sẽ phải "huấn luyện" nó hoạt động như một quả tim thật rồi mới thử nghiệm trên cơ thể động vật.
Theo ông Dvir, có thể trong 10 năm nữa, ở các bệnh viện tốt nhất trên thế giới sẽ có thiết bị chế tác nội tạng bằng công nghệ in 3D và hoạt động này sẽ được tiến hành thường xuyên. Tuy nhiên, các bệnh viện có thể bắt đầu thử nghiệm với các cơ quan nội tạng có cấu trúc đơn giản hơn quả tim.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới và cấy ghép hiện là lựa chọn duy nhất dành cho các bệnh nhân mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, số lượng người hiến tim rất hạn chế và nhiều bệnh nhân đã tử vong trong quá trình chờ đợi.
Bởi vậy, công nghệ in 3D để tạo ra một quả tim có thể cấy ghép được thực sự là một bước đột phá lớn của y học, mở ra triển vọng trong lĩnh vực cấy ghép nội tạng.
In 3D, hay còn gọi công nghệ chế tạo đắp lớp, là quá trình tạo ra vật thể thật trong không gian 3 chiều với vật liệu được đắp lên và hình thành theo sự điều khiển của máy tính.
Chỉ với một bản vẽ kỹ thuật 3 chiều, công nghệ in 3D sẽ tạo ra các sản phẩm chi tiết mang đầy đủ yêu cầu và hình dáng mong muốn.