Đổi mới, sáng tạo - Giải pháp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và phát triển

09:13, 17/05/2019

Toàn cầu hóa đang là xu hướng tất yếu và ngày càng được mở rộng, diễn ra nhanh chóng. Các sân chơi về kinh tế, văn hóa, giáo dục, các hiệp định đối tác xuyên khu vực không ngừng được ký kết, kéo các quốc gia vào một thế giới phẳng đầy cơ hội nhưng cũng có không ít rủi ro, thách thức. Cùng với cả nước, Thái Nguyên cũng chịu những thách thức do tác động của xu thế toàn cầu hóa mang lại.

Trong nhiều năm qua, thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng chủ yếu dựa trên nguồn vốn đầu tư và lao động. Số lao động ngày càng tăng và các doanh nghiệp (DN) đầu tư ngày càng nhiều vào máy móc, thiết bị. Đã đến lúc tăng trưởng kinh tế sẽ phải dựa ngày càng nhiều vào tăng năng suất lao động. Yêu cầu đặt ra cho các nhà lãnh đạo, quản lý và mỗi người dân là làm sao để hội nhập, làm sao để không bị đẩy lùi lại phía sau. Lời giải tối ưu cho bài toán này là phải “đổi mới, sáng tạo”. Động lực tăng năng suất quan trọng nhất chính là đổi mới, sáng tạo, cụ thể là đổi mới, sáng tạo được dẫn dắt bởi công nghệ.

Đổi mới, sáng tạo là sự cải tiến hoặc sáng tạo ra những sản phẩm, quy trình, dịch vụ, mô hình kinh doanh hay mô hình tổ chức hoàn toàn mới, được coi là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Đổi mới, sáng tạo luôn gắn với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ cùng với các ý tưởng sáng tạo xuất hiện trong nhiều loại hình tổ chức khác nhau. Đó là quá trình tổng hợp gồm nhiều khâu: Nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường, đổi mới sản phẩm, quản lý dự án đầu tư... Đổi mới, sáng tạo là năng lực tạo ra và ứng dụng giải pháp kỹ thuật, thành tựu công nghệ, sự linh hoạt, hiệu quả trong phản ứng chính sách, thị trường để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm và phát triển DN.

Nhìn lại thực trạng hoạt động khoa học - công nghệ (KH-CN) và đổi mới, sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cho thấy bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, cũng còn có một vài điểm trầm lắng. Kết quả đáng ghi nhận đó là việc tỉnh đã ban hành một loạt văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cho đổi mới, sáng tạo. Nguồn lực tài chính cho KH-CN được gia tăng theo từng năm. Hạ tầng thông tin KH-CN có bước phát triển. KH-CN bước đầu có đóng góp quan trọng, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cần phải được không ngừng nâng lên để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, để giải quyết kịp thời các nhu cầu do thực tiễn phát sinh. Việc đa dạng hóa các nguồn lực tài chính cho hoạt động KH-CN còn khiêm tốn. Ngân sách Nhà nước vẫn là nguồn đầu tư chính cho hoạt động KH-CN, trong đó có đổi mới, sáng tạo (chiếm khoảng 65%-70% tổng đầu tư xã hội cho hoạt động KH-CN). Các DN hầu như không đầu tư nghiên cứu và triển khai để đẩy mạnh tăng trưởng. Nếu DN đầu tư hạn chế hoặc không có đầu tư cho hoạt động đầu tư nghiên cứu và triển khai thì sẽ rất khó có đổi mới, sáng tạo.

Để đẩy mạnh hoạt động đổi mới, sáng tạo, trong thời gian tới cần tập trung vào một số nội dung: Đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. Để đưa các kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường, ứng dụng được trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo thành sản phẩm, dịch vụ mới và giá trị gia tăng cho xã hội, cần sự đầu tư có trách nhiệm của các lực lượng xã hội, trong đó DN đóng vai trò quan trọng nhất. Phát triển và khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật địa phương để phục vụ hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. 

Khuyến khích DN đầu tư mạnh cho hoạt động KH-CN, Đổi mới, sáng tạo. Phát huy Quỹ phát triển KH-CN của DN, thúc đẩy hoạt động Đổi mới, sáng tạo, chuyển giao công nghệ tại các DN. Phát triển thị trường khoa học công nghệ gắn với hoạt động đổi mới, sáng tạo. Tập trung nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của DN. Phát triển các công nghệ nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo để tạo ra các sản phẩm có lợi thế; khuyến khích các DN khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khuyến khích các trường đại học thuộc Đại học Thái Nguyên, đặc biệt là các trường khối kỹ thuật và công nghệ, dành không gian thích đáng cho hoạt động ươm tạo công nghệ; hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên. 

Muốn thúc đẩy hoạt động đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa thì rất cần nhìn nhận khách quan về những tồn tại, hạn chế của chúng ta để có những hoạch định, chính sách phù hợp. Đó là: Nguồn nhân lực - chìa khóa thành công đối với đổi mới, sáng tạo - còn thiếu về số lượng và chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng; giáo dục - đào tạo còn có những mặt hạn chế, thường quá tập trung vào lý thuyết nên không đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động. Điều cốt lõi của giáo dục - đào tạo để đáp ứng đòi hỏi của “đổi mới, sáng tạo” là ưu tiên giáo dục khoa học, kỹ thuật, công nghệ nhằm tạo ra khả năng thích ứng và tiếp nhận công nghệ.