Ngày 20-1, tại Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên), Sở Nông nghiệp và PTNT và Đại học Nông lâm tổ chức Hội thảo xây dựng Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2020-2030 (ảnh). Tham dự có lãnh đạo các sở: Khoa học và Công nghệ, Tài chính; các nhà khoa học của Đại học Thái Nguyên; Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu rau quả, Viện Nghiên cứu cây thuốc Hà Nội; Trung tâm nghiên cứu cây trồng và chế biến…
Là một trong những nội dung trọng tâm về tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 thông qua. Việc xây dựng Đề án nhằm tạo bước phát triển mạnh trong sản xuất nông, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, nâng cao giá trị về đất đai, thu hút lao động và có thương hiệu trên thị trường, góp phần đẩy mạnh CNH-HĐH. Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm “đặt hàng” các nhà khoa học xây dựng đề cương, đến nay đã hoàn thiện về tổng quan Đề án.
Theo đó, nhóm các lĩnh vực được xác định đầu tư dựa trên cơ sở tiềm năng và lợi thế từng vùng. Trong đó tập trung vào xây dựng sản phẩm hoàn chỉnh theo chuỗi sản xuất, kinh doanh và thương hiệu, gắn với thị trường trong và ngoài nước. Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, như: Cần xác định sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng thương hiệu và thị trường, dựa trên cơ sở tiềm năng đất đai, khí hậu, nhân lực và nguồn đầu tư. Một số ý kiến đưa ra những vấn đề quy hoạch và xác định sản phẩm chủ lực phải gắn với mục tiêu tổng quan của Chính phủ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đặc biệt, các Viện chiến lược và Viện nghiên cứu cũng đề xuất cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước; phải bảo đảm tính bền vững, nâng cao đời sống, thu nhập của nông dân, bảo vệ và cải thiện môi trường nông thôn; nắm bắt thị trường và xu hướng đầu tư, tránh độc canh cây trồng, vật nuôi. Ngành Nông nghiệp, các chuyên gia Trường Đại học Nông lâm đưa ra các giải pháp trước mắt là xây dựng các mô hình điểm tại các địa phương theo hình thức khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, kết nối sản xuất theo đặt hàng sản phẩm.
Dự kiến từ nay đến tháng 5-2020 Đề án sẽ được hoàn thiện. Bên cạnh đó, các địa phương, các ngành cần tích cực tham mưu xây dựng Đề án về quy hoạch, dự báo và các đánh giá về đất đai, tác động môi trường, những biến động về sử dụng đất đai kịp thời trong quá trình thực hiện Đề án. Quá trình hoàn thiện Đề án, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng Trường Đại học Nông lâm sẽ tiếp tục lấy ý kiến tham gia rộng rãi của các chuyên gia, các nhà khoa học và người dân.