Một nghiên cứu mới được hợp tác giữa Viện Burnet và các nhà khoa học đến từ Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Úc (CSIRO) đã cho kết quả dơi là nguồn chứa “ổ” virus gây bệnh như AIDS.
Nghiên cứu bổ sung thành viên mới retrovirus - loại virus truyền nhiễm đầu tiên được tìm thấy trên dơi. Retrovirus là loại virus có khả năng biến RNA của chúng thành DNA và kết hợp nó vào hệ gene của tế bào vật chủ mà nó xâm nhập.
Được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (PNAS), nghiên cứu cho thấy loài dơi ở Úc và châu Á là loài mang nhiều loại gammaretrovirus có liên quan rất chặt chẽ với retrovirus ở gấu túi, được gọi là KoRV.
Bằng cách làm suy yếu hệ thống miễn dịch theo cách tương tự như HIV ở người, KoRV khiến cho các quần thể gấu túi dễ bị ung thư và nhiễm trùng hay mắc bệnh Chlamydia - là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Chlamydia Trachomatis gây ra, nguyên nhân gây vô sinh, mù lòa và suy thận.
Nhà khoa học thực nghiệm cao cấp Mary Tachedjian tại CSIRO chính là tác giả của công trình nghiên cứu trên. TS. Joshua Hayward, đồng tác giả cho biết, các retrovirus như HIV được biết là lây truyền giữa các loài khác nhau và sự hiện diện của virus giống KoRV truyền nhiễm ở dơi gây lo ngại cho các động vật khác ở Úc có thể trở thành đối tượng bị lây nhiễm.
"Điều này giải thích cách thức các virus liên quan đến KoRV ban đầu đến Úc từ Đông Nam Á, đáng lưu ý đây là ổ chứa có thể truyền sang các loài động vật khác. Quốc gia của chúng tôi đang cố gắng bảo tồn quần thể gấu túi bị tàn phá bởi các đám cháy, nhưng làm thế nào chúng có thể được bảo vệ tránh khỏi loại virus này là điều các chuyên gia nghiên cứu quan tâm. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng rất lo ngại về sự tồn tại của loại virus này trong cộng đồng”, TS. Hayward nói.
Retrovirus mới được phát hiện bởi nghiên cứu có liên quan mật thiết đến KoRV, được đặt tên là Hervey pteropid gammar RNAirus (HPG), được tìm thấy có khả năng sao chép ở tế bào người và dơi trong nuôi cấy tế bào tại phòng thí nghiệm.
"Những virus này gây ra một số bệnh như bệnh bạch cầu, u lympho, suy giảm miễn dịch. Trong khi loại virus đặc biệt này có thể lây nhiễm tế bào người trong phòng thí nghiệm, liệu nó có thể gây nhiễm trùng và gây bệnh ở người hay không là vấn đề lớn”, TS. Hayward cho biết.
Trong khi đó, GS. Gilda Tachedjian - Viện trưởng Khoa học Đời sống Burnet, Chủ tịch Hiệp hội Virus học Úc cho biết: "Chúng ta càng xâm lấn vào môi trường sống của dơi, khả năng lan truyền virus từ dơi sang động vật càng cao và trong đó có cả con người, vì vậy cần thiết phải sớm xác định và mô tả đặc điểm của virus xuất hiện”. Việc này sẽ khiến con người kiểm soát, ngăn ngừa được các dịch bệnh.