Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo các ngành tập trung các nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng chính quyền điện tử.
Để cụ thể hóa Nghị quyết của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/3/2019 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 29/5/2019 tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương đề ra những nhóm giải pháp hữu hiệu nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thân thiện, thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn; tạo thuận lợi nhất để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tạo động lực, sự đột phá và thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh.
Những ngày này, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang tập trung chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành rà soát thủ tục, thêm dịch vụ công, thành phần hồ sơ, số ngày xử lý; cấu hình mức độ dịch vụ công trực tuyến; cấu hình thanh toán trực tuyến đối với dịch vụ công mức 4; đồng bộ danh mục dịch vụ công trực tuyến đã rà soát về hệ thống một cửa của sở, ngành, địa phương; kiểm tra nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công đối với các thủ tục đã được thiết lập; kiểm tra tiếp nhận xử lý hồ sơ trực tuyến tại phần mềm một cửa… với mục tiêu nâng cao giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) dịch vụ công trực tuyến mức 4 theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Nguyễn Đức Lộc, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Đây là nhiệm vụ rất quan trọng góp phần giảm phiền hà, nâng cao tính minh bạch trong giải quyết TTHC; đồng thời, góp phần quan trọng vào việc xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ kịp thời người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi.
Theo đó, Sở TT&TT đã phối hợp với các sở, ban, ngành, tham mưu cho UBND tỉnh lên kế hoạch để nâng cấp thêm 443 dịch vụ công trực trực tuyến lên mức 4, mức cao nhất được cung cấp hoàn toàn qua mạng. Dự kiến, đến cuối tháng 8-2020, tỷ lệ TTHC dịch vụ công trực tuyến mức 4 của tỉnh nâng lên đạt 30% tổng số TTHC. Kế hoạch rà soát các TTHC, bổ sung nâng cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 trên hệ thống của các đơn vị theo danh mục đã được UBND tỉnh công bố, được thực hiện trên hệ thống dịch vụ công của tỉnh, đồng bộ với hệ thống một cửa điện tử của các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương. Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đang tích cực phối hợp với Sở TT&TT để tổ chức xây dựng, chạy thử nghiệm, hoàn thiện nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, trong đó kết hợp đồng thời trả kết quả TTHC bản điện tử cho tổ chức, cá nhân theo quy định với tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua dịch vụ Bưu chính công ích.
Đối với hệ thống một cửa điện tử sẽ tiến hành đồng bộ danh mục dịch vụ công đã rà soát về hệ thống một cửa của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Đơn cử như, Sở Khoa học và Công nghệ, tổng số dịch vụ công cần nâng cấp của Sở này là 30 dịch vụ, với thời gian thực hiện kéo dài từ ngày 01/6/2020 đến ngày 5/6/2020. Số dịch vụ công trực tuyến cần nâng cấp của UBND cấp huyện là 158 dịch vụ và thời gian thực hiện từ ngày 24/8/2020 đến ngày 28/8/2020.
Theo báo cáo của Sở TT&TT cũng như ghi nhận của Cục Tin học hóa - Bộ TT &TT tính đến cuối năm 2019, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức 4 của Thái Nguyên là 127 dịch vụ, chiếm tỷ lệ 6,7% tổng số TTHC. Theo kết quả Chính phủ công bố chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2019 mới đây, Thái Nguyên xếp vị trí thứ 14 với tổng số 83.01 điểm, tăng 4 bậc so với năm 2018. Kết quả trên đã minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng trong việc cải thiện chỉ số xếp hạng CCHC, đặc biệt được là sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành trong việc tập hợp rà soát, đơn giản hóa TTHC theo hướng tinh gọn, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, bãi bỏ TTCH không còn phù hợp, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Với kế hoạch nâng cấp 443 dịch vụ công kể trên, dự kiến đến cuối tháng 8-2020, số dịch vụ công được nâng cấp lên mức 4 của tỉnh là 570 dịch vụ, đạt tỷ lệ 30% theo đúng chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đối với các bộ, ngành, địa phương trong năm nay. Qua đây có thể khẳng định những cam kết của lãnh đạo UBND tỉnh trong việc đẩy mạnh thực hiện các TTHC trên môi trường điện tử nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt nhất, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh, thúc đẩy chính quyền điện tử.