Nghiên cứu khoa học gắn với nhu cầu xã hội

09:00, 10/08/2020

Nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ (CGCN) vào đời sống là nhân tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của Đại học. Để hiện thực được mục tiêu đó, những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Đại học Thái Nguyên luôn bám sát những yêu cầu thực tiễn cuộc sống đặt ra.

Xác định rõ hoạt động NCKH và CGCN vào đời sống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đại học, nhất là với vị thế là đại học Vùng như Đại học Thái Nguyên (ĐHTN). Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tự chủ đại học như hiện nay, ĐHTN coi sản phẩm NCKH và CGCN chính là sức hút cho hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế.

Nếu như những năm 2013, 2014 về trước, các “sản phẩm” NCKH của ĐHTN tập trung vào các lĩnh vực truyền thống của các ngành nông - lâm, cơ khí, kỹ thuật điện, giáo dục sư phạm, y khoa… và giải quyết các vấn đề mang tính chất bổ sung nguồn nhân lực cho các địa phương miền núi, thì đến nay, hoạt động NCKH và CGCN đã dịch chuyển sang phương thức hoạt động mới đáp ứng yêu cầu ứng dụng thực tiễn cao, có giá trị bền vững.

Trước những yêu cầu này, đội ngũ các nhà khoa học không chỉ làm việc theo kinh nghiệm, mà đòi hỏi tính phát hiện mới, tính thực tiễn mà nhu cầu xã hội đang đặt ra. Bên cạnh đó, yêu cầu về sản phẩm KHCN phải được quốc tế công nhận từ các hoạt động nghiên cứu và thông qua các công bố về bản quyền, về sở hữu trí tuệ, được giới khoa học trong nước và quốc tế ghi nhận.

Trong giai đoạn 2015-2020, hoạt động NCKH và CGCN của ĐHTN đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất, đạt được những thành tựu quan trọng. Toàn Đại học đã tập trung thực hiện bảy nhiệm vụ về  khoa học công nghệ (KHCN) giai đoạn 2015-2020, trong đó, nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch. Cụ thể: Thực hiện 56 chương trình KHCN, đề tài cấp Nhà nước, dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đạt 186% so với chỉ tiêu (chỉ tiêu là 30); 408 đề tài cấp Đại học, cấp Bộ, đạt 102% so với chỉ tiêu (chỉ tiêu là 400). Mỗi đề tại gắn với một sản phẩm và đi liền với đó là các công bố khoa học.

Liên tục trong các năm 2015, 2018, 2019, ĐHTN đã có 8.695 bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí, kỷ yếu hội nghị, hội thảo, trong đó có 7.170 bài được đăng trên các tạp chí trong nước, đạt 204% (chỉ tiêu là 3.500), 1.525 bài đăng trên các tạp chí quốc tế, đạt 169% (chỉ tiêu là 900); có 775 bài được đăng trên các tạp chí trong danh mục ISI, Scopus, đạt 193% (chỉ tiêu là 400); có 22 sản phẩm khoa học công nghệ được công nhận sở hữu trí tuệ, đạt 110% (chỉ tiêu là 20.

Đặc biệt, ĐHTN xếp thứ 9/35 trường được xếp hạng đướng đầu về chỉ số nghiên cứu. Về chỉ số nghiên cứu nội lực, ĐHTN có điểm nội lực là 55,92 với điểm chuẩn hóa là 92,34, xếp hạng 3/35 cơ sở giáo dục đại học. Đại học đã huy động được 3,44 triệu đô la từ nguồn hợp tác quốc tế cho hoạt động KHCN; 89 tỷ đồng thuộc chương trình hợp tác với UBND tỉnh Thái Nguyên; thu được hơn 200 tỷ đồng từ các chương trình, dự án chuyển giao khoa học công nghệ; 760 triệu đồng từ các chương trình KHCN khác.

Từ hiệu quả hoạt động NCKH gắn với sản phẩm công nghệ, ĐHTN đã nhanh chóng tạo được sự quan tâm của cộng đồng các nhà khoa học quốc tế và trở thành đối tác hoặc liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với cá quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong 5 năm trở lại đây (2015-2020), ĐHTN đã mở 27 chương trình liên kết đào tạo quốc tế với các cơ sở giáo dục đại học các nước và vùng lãnh thổ. Đến nay, ĐHTN đã thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế, ký kết được 382 thỏa thuận hợp tác để triển khai nhiều chương trình, dự án về giáo dục đào tạo và NCKH.

Với những thành tựu NCKH và CGCN đạt được trong những năm qua, ĐHTN đã và đang hiện thực hóa mục tiêu lấy sản phẩm KHCN làm nòng cốt để tham gia vào các lĩnh vực phát triển kinh tế -xã hội các vùng, các địa phương. Thông qua các sản phẩm khoa học tạo ra những bước tiến tích cực trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh trong môi trường tự chủ đại học, đáp ứng quá trình hội nhập quốc tế.