Nơi ươm tạo và khởi nghiệp

09:31, 24/08/2020

Những ý tưởng, sáng kiến muốn trở thành hiện thực thì phải có sự tương tác giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và người học, để tạo ra sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng thực tiễn cao. Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao tri thức của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) chính là một địa chỉ như thế.

Học đi đôi với thực hành, đó là mục tiêu và nhiệm vụ của môi trường đào tạo các ngành kỹ thuật của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên. Xuất phát từ những yêu cầu đào tạo gắn với thực tiễn và đáp ứng nhu cầu xã hội, tháng 10-2019, các giảng viên, các nhà khoa học của Trường đã hợp lực lại để thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao tri thức (TTKN). Mục tiêu chính là hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp tất cả các ngành đào tạo của Trường đúng vị trí và phát huy tối đa sức sáng tạo, đam mê nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ vào cuộc sống cho sinh viên.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hào, Phó Giám đốc phụ trách TT chia sẻ: “Ban đầu TT chỉ đặt ra mục tiêu hỗ trợ khởi nghiệp và tiếp sức cho sinh viên những ý tưởng sáng tạo, mang tính ứng dụng cao bằng tri thức, bằng khoa học và công nghệ ứng dụng, nhưng quá trình vận hành, các thầy, cô giáo, các chuyên gia đầu ngành phát hiện thấy khả năng sáng tạo của sinh viên rất phong phú. Nếu được tiếp sức, được hỗ trợ tốt sẽ là những sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) có giá trị cao trong thực tiễn. Quá trình thực tế, thực tập của sinh viên được ghi chép lại đã phản ánh không ít vấn đề mà các nhà máy, phân xưởng của các doanh nghiệp đang còn thiếu, còn yếu và rất cần những sản phẩm KHCN bắt đầu từ ý tưởng sáng tạo của các kỹ sư, công trình sư và của các nhà khoa học. Có những ứng dụng rất đơn giản, nhưng chưa được chuyển giao đến nơi cần sử dụng, hay nói cách khác là cầu chưa gặp cung. Chính vì vậy, TTKN xác định vừa làm nhiệm vụ hỗ trợ khởi nghiệp, nhưng cũng là nơi ươm tạo và là nhịp cầu kết nối cung-cầu về KHCN”.

Có mặt tại TT những ngày chuẩn bị hoàn thiện sản phẩm Giám sát, kiểm đếm và đo công tơ điện tự động bằng cảm ứng điều khiển từ xa, Nguyễn Tuấn Nam - đại diện nhóm sinh viên năm cuối ngành Điện tử Tự động của Trường hào hứng cho biết: “Chúng em rất phấn khởi khi mỗi người học một lớp, lại khác lứa tuổi mà hội tụ về đây để trực tiếp thi công sản phẩm bằng kiến thức mà mình đã và đang học. Đây là sản phẩm mà Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên đặt hàng, nên tất cả các thành viên đều nêu cao tinh thần trách nhiệm và cũng rất vinh dự được cống hiến”.

PGS.TS Phạm Thành Long, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế phân tích: Sản phẩm này chế tạo phục vụ công việc giám sát công tơ điện nhất là điện dân dụng. Cả người sử dụng, nhà quản lý, đơn vị kinh doanh đều được biết công khai và sẽ không còn tình trạng leo trèo cột điện đọc số công tơ nữa. Tất cả sẽ được báo về máy chủ qua hệ thống cảm biến bảo đảm chính xác, thậm chí có thể báo tình trạng công tơ và những biến động sử dụng điện của từng hợp đồng...   

Được thiết kế với mô hình tích hợp liên môn, liên ngành và cũng là địa chỉ chuyển giao theo đơn đặt hàng. Do đó, TTKN là một địa chỉ thu hút hàng trăm lượt các nhà khoa học đến cộng tác, cùng với sinh viên giải quyết các vấn đề thực tiễn, triển khai các vấn đề mang tính chất học thuật và ứng dụng. Gần 1 năm hoạt động, TTKN đã thu hút hơn 1.000 lượt sinh viên đến triển khai, lập dự án, xây dựng giải pháp cho các sáng kiến, ý tưởng chế tạo sản phẩm và đã tổ chức thực hiện trên 100 đồ án các sản phẩm KHCN. Hiện nay TTKN đã và đang thực hiện các dự án về dòng sản phẩm như: điều khiển tự động, giám sát đo, đếm; phân tích báo cáo dữ liệu về môi trường tự nhiên, môi trường lao động; giải mã khóa cửa thông minh; đo thân nhiệt tự động; pha sơn tự động; đếm tốc độ vòng quay không tiếp xúc; điều khiển tự động vận hành máy, thiết bị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Hầu hết các sản phẩm đều đã được các doanh nghiệp, các cơ quan, các địa phương chủ động tiếp cận và đặt hàng sản xuất.

Mặc dù mới thành lập, nhưng gần 1 năm qua, TTKN đã và đang tạo dựng cho mình một không gian sáng tạo, trải nghiệm sinh động bằng những sản phẩm từ các ý tưởng thực tiễn, tạo nền tảng cho hoạt động khởi nghiệp của sinh viên trong tương lai. Với kết quả bước đầu, TTKN thực sự trở thành một “sân chơi” công nghệ ứng dụng của tất cả giảng viên, sinh viên, những người đam mê KHCN trong và ngoài Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên.