Bước chuyển khoa học công nghệ

09:36, 01/10/2020

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ (KH-CN) vào sản xuất, đời sống để nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm và hiệu quả công việc là xu thế tất yếu hiện nay. Xuất phát từ quan điểm này, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển KH-CN. Từ đó, lĩnh vực này đã đóng góp nhiều thành quả quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong giai đoạn 2015-2020, ngành KH-CN tỉnh đã triển khai thực hiện 158 nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh, trong đó có trên 97% các nhiệm vụ được nghiệm thu, ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Nhiều sản phẩm khoa học có giá trị thực tiễn cao, gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của các đơn vị, địa phương trong tỉnh. Nhiều công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, từ đó góp phần quan trọng nâng cao năng suất, giá trị các sản phẩm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.

Đơn cử như Dự án ứng dụng công nghệ xây dựng mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc. Với diện tích nuôi cấy trai rộng 1ha trên hồ Núi Cốc, năm 2017, đơn vị triển khai Dự án bắt đầu thực hiện việc cấy 200 nghìn viên nhân cho 50 nghìn con trai nguyên liệu, đến nay đã thu hoạch được 4 lứa (trị giá hàng chục tỷ đồng). Qua nghiên cứu và thử nghiệm cho thấy, khả năng sinh trưởng, tốc độ phủ ngọc của trai nguyên liệu nuôi ở hồ Núi Cốc nhanh hơn so với những vùng khác. Bên cạnh đó, nghề nuôi trai lấy ngọc còn giúp cải thiện tốt môi trường khu vực nuôi, từ đó có thể kết hợp với nuôi các loại thủy sản khác để tận dụng tối đa các tầng nước trong hồ. Với điều kiện sinh thái phù hợp, mô hình này đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương.

 

Các nhà khoa học của Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) tham quan mô hình nuôi trai nước ngọt lấy ngọc tại hồ Núi Cốc.

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH-CN trên địa bàn tỉnh cũng đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của xã hội. Trong đó, nhiệm vụ KH-CN nổi bật nhất thời gian qua là đã nhanh chóng, kịp thời tạo ra những sản phẩm ứng dụng hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đó là nhiệm vụ KH-CN “Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR”. Các nhà khoa học thuộc Đại học Thái Nguyên đã nghiên cứu thành công bộ kit xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 và được Viện Kiểm định Quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) kiểm định đạt độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác 100%; giới hạn phát hiện tốt, ngưỡng phát hiện từ 10-50 copies/phản ứng; có độ bền ổn định trong điều kiện đá gel (từ 2-8 độ C) trong 72 giờ; thời gian thực hiện phản ứng trong khoảng từ 1 giờ đến 1 giờ 15 phút (nhanh hơn so với các bộ kit hiện nay từ 25-30 phút); giá thành dự kiến cũng sẽ giảm khoảng 15-30% so với một số bộ kit đang được sử dụng hiện nay. Đây cũng là bộ kit thứ tư trong cả nước được công nhận...

Từ thành công của các nhiệm vụ KH-CN đã khẳng định hướng đi đúng đắn của tỉnh trong việc đầu tư vào lĩnh vực này. Nhiều hoạt động KH-CN được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ người dân trong sản xuất, kinh doanh như: tuyên truyền, phổ biến kiến thức KH-CN, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, công bố tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn áp dụng; cung cấp các thông tin liên quan đến việc thực thi Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm; xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho một số sản phẩm nổi tiếng của tỉnh; hỗ trợ cung cấp thông tin về công nghệ; thẩm định công nghệ các dự án đầu tư; cung cấp dịch vụ công thuộc lĩnh vực KH-CN...

Theo đánh giá chung, đến nay, các nhiệm vụ phát triển KH-CN của tỉnh cơ bản đã đạt được các mục tiêu đặt ra. Qua đó, đã góp phần hỗ trợ hàng chục doanh nghiệp thực hiện đổi mới, hiện đại công nghệ trong sản xuất; xây dựng được nhiều mô hình chuyển giao, áp dụng tiến bộ KH-CN, đưa các giống cây con mới, các quy trình kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại vào đời sống xã hội; tạo lập, quản lý các nhãn hiệu bảo hộ sở hữu trí tuệ sản cho phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có lợi thế của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm từ chè.

Để chủ động đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và triển khai các nhiệm vụ KH-CN, thời gian tới, ngành KH-CN tỉnh sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của các chương trình phát triển KH-CN của tỉnh, đẩy mạnh ứng dụng KH-CN theo hướng trọng tâm vào phục vụ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, gắn hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH-CN với yêu cầu phát triển của từng ngành, lĩnh vực, từng sản phẩm. Đồng thời, đổi mới cơ chế quản lý; nâng cao chất lượng nghiên cứu; tập trung phát triển các nghiên cứu tạo ra các sản phẩm tinh từ các nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương để không ngừng nâng cao hiệu quả của KH-CN đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.