Bằng khả năng sáng tạo và kiến thức chuyên môn, nhiều sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) đã hiện thực hóa các ý tưởng thành những công trình nghiên cứu khoa học có giá trị. Ngược lại, Nhà trường cũng luôn tạo cơ hội cho sinh viên phát huy tinh thần sáng tạo, áp dụng những kiến thức đã học để tạo ra những sản phẩm hữu ích.
Mới đây, dự án “Một giải pháp tiết kiệm đáp ứng chiếu sáng hiệu quả cho hệ thống đường đi trong đô thị” của nhóm sinh viên Khoa Điện, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đã xuất sắc lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Sản phẩm của Dự án sử dụng các bộ điều khiển và logic được thiết kế nằm gọn trong phần hộp đựng đèn, có các chức năng như: Tự động vận hành hệ thống trong các khoảng thời gian được cài đặt hoặc tùy vào điều kiện ánh sáng môi trường; tự động tiết giảm công suất trực tiếp qua phần cứng của đèn theo các khoảng thời gian cụ thể; vận hành luân phiên các “mắt LED” trong bộ đèn theo ngày, đảm bảo tuổi thọ của đèn…
Em Hoàng Văn Trung, Trưởng nhóm tác giả của Dự án chia sẻ: Đây là một sản phẩm hoàn toàn mới đối với cả thị trường trong nước và quốc tế. Bởi vì giải pháp chúng em nghiên cứu là can thiệp vào phần cứng của đèn, khiến các “mắt LED” có thể hoạt động độc lập dựa trên nguyên lý hoạt động của bộ điều khiển trong đèn. Qua đó có thể trực tiếp giảm được công suất của bóng đèn và giảm điện năng tiêu thụ đến 35%.
Xuất phát từ ý tưởng tạo ra một “cầu nối” giữa người cho thuê và người thuê trọ, nhóm sinh viên Lưu Thị Kim, Hoàng Thái Dương, Dương Thị Lan (Khoa Kinh tế Công nghiệp) đã hiện thực hóa thành “Ứng dụng Mihouse – tìm nhà trọ trên điện thoại thông minh”. Chia sẻ về ứng dụng, em Lưu Thị Kim nói: Là những người xa nhà nên chúng em thấu hiểu những khó khăn của sinh viên khi đi tìm nhà trọ. Chỗ ở hợp lý thì giá thành cao, hoặc dịch vụ không ổn định, chỗ cho thuê giá rẻ thì an ninh không đảm bảo. Từ thực tế đó, chúng em đã nghiên cứu và thiết kế ứng dụng Mihouse nhằm giúp cho người thuê trọ tiết kiệm được thời gian, công sức, linh động hơn khi tìm kiếm nhà trọ. Đồng thời giúp họ có đầy đủ thông tin về tổng quan phòng trọ, giá phòng, an ninh, điện nước, vị trí, địa điểm, đặc điểm của phòng trọ mà không cần mất nhiều công sức, giảm các khâu trung gian…
Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp thực hiện sản phẩm “Máy lắp ráp bút bi tự động”.
Cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế, sinh viên Nguyễn Đức Huy (Khoa Công nghệ Cơ điện và Điện tử) đã sáng chế ra sản phẩm “Máy quét ngữ pháp Tiếng Anh”. Sản phẩm là một thiết bị hỗ trợ học tập tiếng Anh, áp dụng tính năng nhận dạng ký tự quang học để chuyển các hình ảnh của chữ viết tay hoặc chữ đánh máy (thường được quét bằng máy scanner) thành các văn bản tài liệu, dùng thiết bị được thu nhỏ lại trong máy để chỉnh sửa lỗi sai ngữ pháp. Máy có khả năng quét văn bản rồi truyền tải đến AI (trí tuệ nhân tạo) để phân tích cách phát âm và truyền đến loa, giúp cho người sử dụng có thể nghe và đọc theo. Từ đó, người sử dụng dễ dàng làm quen với tiếng Anh hơn, đọc đúng trọng âm, phát âm chuẩn. Đặc biệt hơn, chiếc máy này có thiết kế nhỏ gọn, có thể bỏ túi và sử dụng mọi lúc, mọi nơi mà không cần kết nối mạng Internet.
Những sản phẩm, dự án trên chỉ là số ít trong hàng trăm ý tưởng, sáng kiến được sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp hiện thực hóa từ những ý tưởng ban đầu. Điểm chung của những sản phẩm này là đều gắn với những kiến thức chuyên ngành. Đồng thời, để từ những ý tưởng trong đầu, kế hoạch trên giấy biến thành những sản phẩm có giá trị, các em sinh viên còn nhận được sự định hướng, hỗ trợ tích cực từ phía cán bộ, giảng viên Nhà trường.
Hiểu rõ ý nghĩa của hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sinh viên, thời gian qua, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên thực hiện các đề tài nghiên cứu. Nhà trường thường xuyên tổ chức các diễn đàn, hội thảo, tập huấn về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp cấp trường… qua đó phát hiện và hỗ trợ sinh viên thực hiện các ý tưởng, sản phẩm, dự án.
Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp thông tin: Với vai trò là “cầu nối” của những ý tưởng, thời gian qua, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Nhà trường đã tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng trong và ngoài trường thực hiện những giải pháp hỗ trợ thiết thực với những đề tài có tính ứng dụng cao vào thực tiễn. Hoạt động nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp cũng là một trong những nội dung được đưa vào tiêu chí xét điểm rèn luyện, thi đua của mỗi đoàn viên, sinh viên trong trường.
Nhờ sự hướng ứng tích cực của cả sinh viên và Nhà trường, hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp ngày càng có những bước tiến mới và liên tục đạt được những dấu ấn quan trọng. Trong giai đoạn 2016-2020, Nhà trường có 736 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp; trung bình mỗi năm, sinh viên Nhà trường thực hiện khoảng 70-100 ý tưởng, sản phẩm, dự án khoa học, sản phẩm khởi nghiệp và hầu hết đều được đánh giá cao về hiệu quả khi áp dụng trong thực tiễn. Mới đây, trong chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2020 do Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long và Báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức, Đoàn Thanh niên Nhà trường đã vinh dự nhận giải thưởng “Đoàn trường có nhiều hồ sơ, bài dự thi tham gia nhất” với 70 đề tài dự thi.