Cùng với La Bằng (Đại Từ), Sảng Mộc (Võ Nhai) là xã được tỉnh lựa chọn thí điểm xây dựng xã thông minh (chuyển đổi số - CĐS). Đây là một chủ trương lớn nhằm từng bước xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm CĐS của khu vực trung du miền núi phía Bắc trong giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, với một xã vùng cao còn nhiều khó khăn như Sảng Mộc thì câu chuyện về thực hiện CĐS còn nhiều việc phải làm trong khi đó trình độ canh tác, mức sống của người dân còn thấp, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ…
Sau khi được dự buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông do Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng làm Trưởng đoàn với các sở, ngành, địa phương liên quan của tỉnh, đồng chí Nông Quý Dương, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc vừa mừng vừa lo khi xã được tỉnh lựa chọn thí điểm xây dựng xã thông minh. Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Nông Quý Dương cho biết: Thú thực khi nghe về CĐS tại cuộc làm việc đó, bản thân tôi cũng chưa hiểu xã phải làm những gì. Nhưng sau khi nghe kế hoạch triển khai của tỉnh với những công việc cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực và tự tôi tìm hiểu qua các tài liệu thì đến giờ tôi rất mong chờ từng ngày được chứng kiến Sảng Mộc thực hiện CĐS. Theo tôi được biết, trên cả nước hiện có khoảng 12 xã đang thí điểm xây dựng mô hình xã thông minh và đến nay cũng chưa có tiêu chí chính thức nào về lĩnh vực này nên chúng tôi cũng khá trăn trở khi bắt tay vào thực hiện CĐS tại địa phương.
Điều trăn trở của đồng chí Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã cũng khiến chúng tôi dễ hiểu bởi Sảng Mộc hiện là xã vùng sâu, khó khăn nhất của huyện Võ Nhai. Sảng Mộc mới đạt 10 tiêu chí nông thôn mới (thấp nhất tỉnh); tỷ lệ hộ nghèo còn trên 20,14%, hộ cận nghèo 14,31%; còn hàng chục ki lô mét đường đất khó đi; 3/4 trường học chưa đạt chuẩn Quốc gia; còn 4 nhà văn hóa xóm tạm bợ. 5 năm qua, xã đã vận động nhân dân trồng mới được 25ha cây ăn quả các loại nhưng hiệu quả chưa cao, việc lựa chọn, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế còn lúng túng, chưa phù hợp với thực tế địa phương. Hoạt động sản xuất của người dân vẫn nặng tính tự phát. Trong khi muốn thực hiện CĐS thì yếu tố tiên quyết là hạ tầng mạng viễn thông phải đồng bộ. Tuy nhiên, tại Sảng Mộc, chỉ khu vực trung tâm xã với 3 trường học và ½ xóm Bản Chương là có sóng di động 3G, 4G. Các xóm Khuổi Mèo, Nà Lay, Khuổi Chạo, Tân Lập, Nà Ca, Phú Cốc hầu như không có sóng di động, hệ thống mạng kém do đường truyền được lắp đặt từ lâu hiện đã xuống cấp. Trường Tiểu học và THCS Tiên Sơn nơi giảng dạy của 20 cán bộ, giáo viên và trên 130 học sinh được xây dựng ngay tại trung tâm bản người Mông Khuổi Mèo cũng chưa có đường truyền internet để phục vụ công tác dạy và học nơi đây.
Cũng về câu chuyện CĐS tại xã Sảng Mộc, đồng chí Hoàng Minh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: Để CĐS thành công thì yếu tố con người đóng vai trò quyết định. Sảng Mộc có hơn 700 hộ dân nằm rải rác ở 10 xóm với trên 2.800 nhân khẩu, trong đó hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, thậm chí nhiều người không biết nói tiếng phổ thông. Bởi vậy, ngoài việc tái cấu trúc hạ tầng để đáp ứng cho chính quyền thông minh và tăng cường an toàn thông tin thì Sảng Mộc cần tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng cho người dân trong việc ứng dụng công nghệ số.
Hiện nay, hệ thống một cửa điện tử cấp xã đã cung cấp được dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 với 5 thủ tục và 46 thủ tục hành chính mức độ 4 được công bố; xã cũng đã áp dụng hệ thống phần mềm một cửa điện tử vào tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện khởi tạo 100% địa chỉ hòm thư công vụ (email công vụ) cho cán bộ, công chức, viên chức cấp xã sử dụng thường xuyên. Khi xây dựng xã thông minh, Sảng Mộc cần được đầu tư đồng bộ về hạ tầng số từ mạng viễn thông, thiết bị mạng máy tính, hệ thống camera an ninh, chữ ký số, thiết bị giám sát đến lĩnh vực bảo vệ an toàn an ninh mạng... Cùng với đó, các lĩnh vực y tế, giáo dục, quảng bá nông sản cũng nhanh chóng thực hiện CĐS để phục vụ người dân