Năm 2020, nhiệm vụ khoa học công nghệ (KH-CN) “Khai thác giá trị văn hóa dân gian nhằm phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên” đã được Hội đồng nghiệm thu Nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh nghiệm thu đạt loại xuất sắc. Nhiệm vụ này đã góp phần khai thác giá trị văn hóa dân gian, phát triển du lịch Thái Nguyên theo định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đồng thời gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa đó theo hướng bền vững.
Nhiệm vụ được thực hiện trong thời gian 3 năm từ 2017 đến cuối năm 2020. Đại học Thái Nguyên chủ trì, Trường Đại học Khoa học là đơn vị thực hiện, PGS.TS Phạm Thị Phương Thái là chủ nhiệm đề tài. Nhiệm vụ thuộc Chương trình hợp tác về Nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ KH-CN giữa UBND tỉnh và Đại học Thái Nguyên.
Bước đầu thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tập trungtiến hànhkhảo sát tại các điểm du lịch cộng đồng, thu thập số liệu và dữ liệu khoa học có liên quan để hoàn thiện các chuyên đề. Nội dung xoay quanh những tiềm năng và giá trị văn hóa dân gian của dân tộc Tày như: Giao tiếp ứng xử của người Tày;kiến trúc nhà sàn của người Tày; các nghi lễ, phong tục tập quán của đồng bào Tày trên địa bàn tỉnh (cưới hỏi, đầy tháng, kỳ yên, hát then, múa rối cạn…). Cùng với đó, nhóm nghiên cứu cũng tiến hành thực địa thu thập tài liệu liên quan đến nghệ thuật chế biến và thưởng thức trà tại các vùng chè đặc sản Tân Cương.
ThS. Hoàng Thị Phương Nga, thành viên trong nhóm nghiên cứu cho hay: Sau khi đã thu thập đủ dữ liệu cần thiết, chúng tôi tiếp tục khảo sát điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội để xây dựng tour du lịch đặc trưng cho giá trị văn hóa dân gian của Thái Nguyên, lấy điểm nhấn là Khu bảo tồn làng nhà sàn sinh thái Thái Hải lan tỏa và kết nối với các điểm du lịch. Tour du lịch bắt đầu từ Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - Khu bảo tồn làng nhà sàn Thái Hải - Làng chè Tân Cương - Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc.
Trải nghiệm văn hóa trà tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nan.
Song song với đó là tiến hành cải tạo, nâng cấp 1 điểm du lịch theo hướng trải nghiệm là khu bảo tồn làng nhà sàn sinh thái Thái Hải. Tại đây, nhóm nghiên cứu đã nâng cấp, cải tạo đường vào, xây mới, sửa chữa nhà sàn và vận hành thí điểm điểm du lịch trải nghiệm, tour du lịch, tạo dựng không gian cho khách du lịch thuê trang phục dân tộc Tày để chụp ảnh. Một phần cũng rất quan trọng đó là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên có chuyên môn, kỹ năng về nghề và năng lực ngoại ngữ để vận hành tour và thiết kế sản phẩm truyền thông quảng bá. Sau gần 3 năm thực hiện, sản phẩm của đề tài đã được hoàn thành đó là Tour du lịch văn hóa dân gian đặc trưng cho Thái Nguyên, các điểm du lịch trải nghiệm văn hóa dân gian và chương trình đào tạo nhân lực phục vụ du lịch. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu Nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh nghiệm thu đạt loại xuất sắc.
Có thể thấy, Thái Nguyên là một tỉnh có nhiều lợi thế về du lịch. Tuy nhiên, dịch vụ du lịch trên địa bàn hiện nay còn nhỏ lẻ, thiếu tính hấp dẫn nên không thể giữ chân du khách. Các điểm du lịch phân tán, chưa thực sự có tuyến du lịch chuyên đề để khai thác có chiều sâu và hiệu quả tài nguyên du lịch nói chung và nguồn lực văn hóa dân gian nói riêng. Nhiệm vụ “Khai thác giá trị văn hóa dân gian nhằm phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên” đi vào thực hiện sẽ phần nào thay đổi diện mạo của thị trường du lịch Thái Nguyên.
PGS.TS Phạm Thị Phương Thái, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ KH-CN này sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Thái Nguyên. Bổ sung thêm tour, tuyến du lịch mới cho các công ty lữ hành và thay đổi những hạn chế về tour, tuyến du lịch của tỉnh hiện nay. Nhiệm vụ cũng hướng đến mục đích tạo thu nhập cho người dân, có ý thức bảo tồn, phát huy các nguồn lực địa phương cũng như văn hóa truyền thống dân tộc. Vì vậy ngoài mục đích tăng doanh thu từ du lịch thì dự án còn khơi dậy niềm tự hào của người dân về các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Với phương châm phát triển bền vững theo xu hướng du lịch có trách nhiệm, hiệu quả của nhiệm vụ không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn giúp giữ gìn sự bền vững của môi trường sinh thái.