Ngày 9-4, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức ra mắt Chương trình "Diễn đàn thách thức công nghệ số Việt Nam" trên nền tảng quản lý nhà xe thông minh Anvui.
Đây được coi là phiên bản nâng cấp của chương trình ra mắt các sản phẩm Make in Vietnam được Bộ TT&TT tổ chức từ năm 2020.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, năm 2020 đã đưa chuyển đổi số thành một khái niệm phổ biến của toàn dân. Năm 2021 sẽ là năm để chuyển đổi số chủ động đi tìm những nỗi đau, những vấn đề bức xúc của xã hội để dùng công nghệ thông tin giải quyết.
"Đó cũng sẽ chính là tinh thần, kim chỉ nam của chuyển đổi năm trong năm 2021 và được cụ thể hóa rõ nhất bằng chủ đề của "Diễn đàn thách thức công nghệ số Việt Nam", ông Nguyễn Huy Dũng khẳng định.
Chính vì thế, trong khuôn khổ diễn đàn, các sản phẩm nền tảng sẽ không còn chỉ là để giới thiệu như năm 2020 mà sẽ là cuộc trao đổi, phản biện, góp ý từ diễn đàn để giải các bài toán thách thức của xã hội.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, thực tiễn triển khai chuyển đổi số trong năm 2020 cho thấy "tìm ra đúng vấn đề của xã hội" thường sẽ khó khăn, thách thức hơn là giải vấn đề đó bằng công nghệ. Trong kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0, mọi vấn đề đều có lời giải bằng công nghệ số. Bởi vì, tìm được vấn đề đúng sẽ dẫn đến những lời giải đúng. Xác định được vấn đề đúng, đồng nghĩa với việc đã giải được đến 70-80% vấn đề đó. Do đó, "Diễn đàn thách thức công nghệ số" sẽ lấy phương châm đi tìm và giải quyết thách thức làm mục tiêu hàng đầu.
“Nền tảng quản lý nhà xe của Anvui là sản phẩm công nghệ ra đời từ những vấn đề bức xúc của xã hội như chuyện của nhiều công nhân làm việc xa nhà nhiều năm liền không được về quê ăn Tết, nhiều em sinh viên không được đoàn tụ với gia đình dịp cuối năm vì không thể mua được vé tàu xe, hay có thể lớn hơn là sự đồng cảm với tình cảnh khó khăn của nhiều hãng vận tải trong nước vì không thể cạnh tranh được với các nền tảng taxi công nghệ…", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Ông Phan Bá Mạnh, CEO nền tảng Anvui, cho biết: “Ý tưởng làm nền tảng Anvui vì không muốn thị trường xe khách đường dài rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài, giống như trường hợp taxi truyền thống đã gặp phải. Đồng thời minh bạch hóa hoạt động của các nhà xe, phát triển theo hướng chuyên nghiệp.
Nền tảng Anvui được xây dựng từ năm 2015 nhưng phải đến năm 2017 mới có được khách hàng đầu tiên. Tính đến nay, ứng dụng Anvui có 28 tính năng (module), phục vụ hơn 150 hãng vận tải với khoảng hơn 4.000 xe khách, tại khắp mọi miền đất nước. Trước khi Anvui tham gia, thị trường vận tải đang có khoảng hơn 21.000 doanh nghiệp. Trong đó 2.000 đơn vị có quy mô lớn đang chiếm 90% thị phần, còn lại hầu hết kinh doanh dưới dạng các hộ gia đình mà mọi người hay gọi là "nhà xe" nhưng lại chỉ chiếm 10% thị phần.
"Nếu như các quốc gia khác, chỉ có những tập đoàn quy mô lớn mới tham gia vào thị trường vận tải thì tại Việt Nam, thị trường lại cực kì manh mún, hầu hết thiếu chuyên nghiệp, chộp giật… Khó khăn lớn nhất của nền tảng Anvui là minh bạch mọi thông số. Với quy mô của các nhà xe chỉ vài chiếc rất khó thâm nhập. Tuy nhiên, cùng với đòi hỏi ngày càng cao của hành khách, hướng tới sự chuyên nghiệp thì nền tảng dần thu hút doanh nghiệp sử dụng", ông Phan Bá Mạnh chia sẻ thêm.
Giải pháp của Anvui sẽ giúp các nhà xe tiết kiệm 30% chi phí nhân lực, 60% chi phí giao tiếp và tăng 30% doanh thu bán vé.
Giải pháp quản lý nhà xe thông minh Anvui là nền tảng công nghệ với mục đích số hóa ngành vận tải hành khách đường dài, giúp các doanh nghiệp vận tải hành khách chuyển đổi số, quản trị khoa học, tối ưu hóa giúp giảm bớt lãng phí xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải trước cuộc cách mạng công nghệ.