Các nhà khoa học đã phát triển một phương pháp biến đổi rác thải nhựa trở thành những nguyên liệu để sản xuất nhiên liệu cho máy bay trong chưa đầy 1 giờ.
Tờ Daily Mail đưa tin nhóm nghiên cứu tại Đại học Bang Washington (WSU), Mỹ, đã phát triển một quy trình xúc tác để chuyển đổi chất polyethylene thành nhiên liệu máy bay và dầu nhờn có giá trị cao.
Polyethylene là loại nhựa được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, thường được làm túi mua sắm, màng bọc thực phẩm và chai dầu gội đầu. Chất nhựa này chiếm khoảng 1/3 tổng lượng chất dẻo được sản xuất trên thế giới hàng năm và trị giá khoảng 200 tỷ USD. Bởi vậy, rác thải nhựa có thể trở thành nguyên liệu thô giá trị thay vì nằm chất đống trong các bãi chôn lấp và ngoài môi trường tự nhiên.
Quá trình biến đổi này vừa được công bố chi tiết trên tạp chí Chem Catallysis. Trong đó, các nhà khoa học đã sử dụng kết hợp chất ruthenium trên chất xúc tác carbon và một loại dung môi thường gặp.
Trước đây, một số nhà nghiên cứu đã chuyển đổi chất nhựa sử dụng một lần thành nhiên liệu máy bay, dầu diesel và dầu nhờn. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia ở WSU lại có thể chuyển đổi gần 90% phế thải nhựa polyethylene thành các hợp chất sử dụng trong nhiên liệu máy bay hay những các sản phẩm hydrocarbon khác trong chưa đầy 1 giờ ở nhiệt độ 220 độ C – thấp hơn so với mức nhiệt thường thấy.
Mặc dù chuyên về chất polyethylene, nhóm nghiên cứu tin rằng quy trình của họ cũng có thể phát huy hiệu quả với các loại nhựa khác. Việc chuyển đổi nhựa thành nguyên liệu sản xuất nhiên liệu máy bay và các loại dầu khác sẽ giúp mục tiêu tái chế rác thải nhựa trở nên đơn giản hơn.
Các phương pháp tái chế cơ học phổ biến nhất làm tan chảy nhựa rồi đúc lại, nhưng điều đó làm giảm giá trị kinh tế và chất lượng của nó khi sử dụng trong sản phẩm khác. Việc tái chế nhựa có thể tạo ra các sản phẩm chất lượng cao hơn, nhưng đòi hỏi nhiệt độ phản ứng cao và thời gian xử lý lâu, gây tốn kém.
Tác giả nghiên cứu Hongfei Lin nhấn mạnh: “Trong ngành công nghiệp tái chế, chi phí tái chế chính là yếu tố then chốt. Nghiên cứu này là một cột mốc quan trọng để chúng tôi thúc đẩy công nghệ mới này vào thương mại hóa”.
Những thập kỷ gần đây, sự tích tụ chất thải nhựa đã gây ra một cuộc khủng hoảng môi trường, làm ô nhiễm các đại dương và môi trường hoang sơ trên khắp thế giới. Khi chúng phân hủy, các mảnh vi nhựa nhỏ xâm nhập vào chuỗi thức ăn và trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với sức khỏe con người.
Tháng 8 năm ngoái, các nhà nghiên cứu từ Đại học Bang Arizona đã tìm thấy dấu vết vi nhựa tích tụ trong nội tạng của con người, trong đó có thận, gan và phổi. Mặc dù chưa rõ tác động đối với sức khỏe con người, nhưng các chuyên gia chỉ ra rằng ô nhiễm vi nhựa chính là một nguyên nhân gây nhiễm trùng, vô sinh và ung thư ở động vật.