Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Bộ Khoa học và Công nghệ đã huy động lực lượng các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ở Việt Nam và doanh nghiệp triển khai nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Từ robot y tế hiện đại...
Trong điều trị COVID-19, để hạn chế việc nhân viên y tế phải tiếp xúc quá nhiều với bệnh nhân nhiễm bệnh, việc sử dụng robot trong việc mang cơm, thuốc, thu gom rác thải rất cần thiết... Bên cạnh đó, robot có chức năng kết nối giữa người bị bệnh với bác sĩ bên ngoài khu vực cách ly để nhận được sự tư vấn cần thiết cũng giúp tránh được rủi ro khi bác sĩ trao đổi trực tiếp với bệnh nhân.
Đến nay, hệ thống robot y tế hiện đại Vibot-2 do Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng đã được sử dụng tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (tỉnh Hà Nam). Trước đó, hệ thống Vibot-1 đã được chế tạo và thử nghiệm tại Bệnh viện Bắc Thăng Long, Hà Nội để phục vụ người nghi nhiễm Covid-19.
Hệ thống robot này là sản phẩm của đề tài khoa học và công nghệ độc lập cấp Nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ đặt hàng Học viện Kỹ thuật quân sự triển khai khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Theo Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự, được Bộ Khoa học và Công nghệ tín nhiệm giao nhiệm vụ, Học viện Kỹ thuật quân sự đã khẩn trương triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ thống robot y tế vận chuyển trong khu cách ly, đặt tên là Vibot”. Các chức năng chính đặt ra cho Vibot là vận chuyển các giá đựng đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm và các đồ vật khác đến các buồng bệnh (trong khu cách ly); vận chuyển giá đựng rác đến các buồng bệnh để nhận rác và đưa về khu tập kết rác thải; giúp y, bác sĩ, người nhà (ở ngoài khu cách ly) giao tiếp từ xa với bệnh nhân.
Nếu Vibot-1 sử dụng kỹ thuật dẫn đường bằng vạch từ và định vị bằng thẻ nhận dạng cho phép robot tự di chuyển trong khu vực cách ly để thực hiện các nhiệm vụ thì Vibot-2 được thiết kế, chế tạo với nhiều tính năng thông minh, hoạt động linh hoạt trong không gian rộng lớn và phức tạp hơn, nhiệm vụ đa dạng hơn, như khả năng tự xây dựng đường đi theo bản đồ khu vực làm việc nạp trước hoặc tự xây dựng, di chuyển an toàn vào - ra khu vực được chỉ định để thực hiện nhiệm vụ, mà không cần sự hỗ trợ nào từ bên ngoài; khả năng phát hiện và dừng hoặc vòng tránh các loại vật cản cố định và di động để đến được các vị trí đã được xác định trước; khả năng phối hợp giữa các robot khi thực hiện cùng một nhiệm vụ trên cùng một sàn…
Đặc biệt, với Vibot-2, người bên ngoài khu vực cách ly (y, bác sĩ, người thân) có thể giao tiếp (thăm bệnh, tư vấn, động viên…) từ xa với bệnh nhân bên trong khu vực cách ly thông qua hệ thống đường truyền được thiết lập riêng, có camera gắn trực tiếp trên robot, nhờ đó hạn chế tiếp xúc trực tiếp, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.
Qua tính toán sơ bộ, mỗi robot có thể thay thế được 3-5 nhân viên y tế. Ngoài việc giảm rủi ro lây nhiễm, việc sử dụng robot còn tạo điều kiện để nhân viên y tế tập trung thời gian, công sức phục vụ, chăm sóc và điều trị bệnh nhân nặng được tốt hơn.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng, với triết lý một nền tảng, nhiều mục đích và các tính năng ưu việt của mình, Vibot có thể được đầu tư nghiên cứu thêm để phát triển, mở rộng phạm vi ứng dụng trong công nghiệp và đời sống...
... đến sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành Khoa học và Công nghệ
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ những ngày đầu tiên dịch COVID-19 bùng phát, Bộ Khoa học và Công nghệ đã huy động các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ở Việt Nam và doanh nghiệp không ngừng nỗ lực sáng tạo, cống hiến trí tuệ, nhiệt huyết để triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tính đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt 10 nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia đột xuất để nâng cao năng lực phòng, chống dịch COVID-19. Có rất nhiều đơn vị trên toàn quốc đã tham gia nghiên cứu, phát triển các sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch. Việt Nam là một trong 3 nước đầu tiên phân lập, nuôi cấy thành công vi rút SARS-CoV-2; làm chủ công nghệ sản xuất bộ KIT phát hiện vi rút SARS-CoV-2 đạt tiêu chuẩn quốc tế; sản xuất vắc xin Nanocovax phòng Covid-19 bằng công nghệ protein tái tổ hợp và thuốc kháng thể đơn dòng điều trị đặc hiệu Covid-19.
Hiện tại, Nanocovax đã được thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn 3; nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm thành công robot sử dụng tại các bệnh viện và khu cách ly; robot khử khuẩn buồng bệnh; chiếu xạ khử khuẩn miễn phí thiết bị, vật phẩm y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch; thu thập, tổng hợp các công bố khoa học quốc tế mới nhất về vi rút SARS-CoV-2 để cung cấp cho các nhóm nghiên cứu tham khảo và hỗ trợ đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu cấp thiết phục vụ phòng, chống dịch; phối hợp cùng các bộ, ngành xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm du lịch; xây dựng phần mềm khai báo y tế... Đặc biệt là việc phát huy nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa trong phòng, chống dịch Covid-19 phục vụ hiệu quả công tác truy vết, kiểm soát các ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch, dự báo y tế…
Đây là các sản phẩm khoa học, công nghệ cao, tương đương các sản phẩm quốc tế, do các nhà khoa học Việt Nam tự chủ nghiên cứu, sáng tạo trong thời gian rất ngắn và đã đưa vào ứng dụng hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Những kết quả trên cũng cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành Khoa học và Công nghệ trong công tác phòng, chống dịch bệnh và chứng minh khoa học và công nghệ Việt Nam đã từng bước đủ năng lực để giải quyết các “bài toán” của đất nước.