Khoa học và công nghệ - ''chìa khóa'' của tăng trưởng bền vững

10:47, 26/12/2021

Khoa học và công nghệ (KH&CN) cùng với đổi mới sáng tạo (ĐMST) được xem là "chìa khóa" của tăng trưởng bền vững. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định, KH&CN nói chung và đổi mới sáng tạo nói riêng phải trở thành động lực quan trọng trong mô hình tăng trưởng mới.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, KH&CN và ĐMST trở thành yếu tố đầu vào quan trọng nhất của lực lượng sản xuất hiện đại, quyết định chất lượng phát triển của các quốc gia và nền kinh tế.

Đảng và Nhà nước ta luôn coi KH&CN là động lực phát triển. Nghị quyết Trung ương 6, khóa XI, Kết luận số 50-KL/TW của Ban Bí thư năm 2019 và nhiều văn kiện, nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã tái khẳng định KH&CN là quốc sách hàng đầu, là nền tảng, động lực phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII nhấn mạnh: Phát triển nguồn nhân lực, KH&CN và ĐMST là một trong các đột phá chiến lược.

Thực tiễn cho thấy, KH&CN đang từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế-xã hội. Khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ đã đóng góp tích cực hơn trong nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị góp phần tích cực cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách; bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, con người Việt Nam.

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thái Nguyên những năm gần đây đang giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011-2015 là 4,3%/năm; giai đoạn 2016-2018, tăng lên 5,8% và đến nay dự ước tăng 6%.

Trong chuỗi giá trị tổng hợp của sản phẩm nông nghiệp đến thời điểm tháng 9-2021, KH&CN đã đóng góp trên 30% tổng giá trị gia tăng. Với lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ tăng từ 40% (năm 2019) lên trên 40% (năm 2021). Tỷ trọng tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh giai đoạn 2011-2019 đạt 36,94%; giai đoạn 2016-2019 đạt 53,24% và giai đoạn 2020-2021 đạt gần 55%.

Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới, các nhiệm vụ KH&CN đã bám sát định hướng phát triển của tỉnh. Một số mô hình sản xuất mới năng suất cao, chất lượng tốt, như: Mô hình trồng cây dược liệu; mô hình sản xuất thử nghiệm giống khoai tây Actrice của Hà Lan; nhân giống, trồng và chế biến cây Trà hoa vàng; mô hình vỗ béo bò thịt; nuôi trai nước ngọt lấy ngọc...

Qua đó đã góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tạo được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Các nhiệm vụ KH&CN được Bộ KH&CN hỗ trợ đã chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật mới đến với người nông dân, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng khó khăn, như: Xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm từ cây măng tây; ứng dụng công nghệ của Israel trong nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng; sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà đồi Phú Bình theo hướng an toàn sinh học…

Lĩnh vực y tế đã ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, như: Ứng dụng phẫu thuật tim hở; nghiên cứu ứng dụng hỗ trợ sinh sản bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm; ứng dụng quy trình ghép thận từ người cho sống; phục hồi chức năng chi trên ở bệnh nhân liệt nửa người do tai biến mạch máu não...

Sở KH&CN thường xuyên kiểm tra, kiểm định các thiết bị đo lường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên toàn tỉnh.

Lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn, các nhiệm vụ KH&CN đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học, hỗ trợ xây dựng, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phù hợp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, như: Luận cứ khoa học phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Biên niên Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên; Nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025…

Lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ, các nhiệm vụ KH&CN đã hỗ trợ nâng cao năng lực làm chủ công nghệ, như: Thiết kế thử nghiệm mô hình bù SVC nhằm nâng cao chất lượng điện cung cấp cho phụ tải công nghiệp; Nghiên cứu phương pháp gia công tia lửa điện để chế tạo chày dập thuốc định hình; Nghiên cứu cải tiến quy trình công nghệ tận thu quặng thiếc chứa hàm lượng sắt cao; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mài bằng đá mài kim cương trên máy phay CNC trên bề mặt định hình...

Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, các nhiệm vụ KH&CN đã triển khai Đề án Chuyển đổi số theo nghị quyết của Đảng bộ tỉnh. Bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp người dân, doanh nghiệp được tiếp cận với công nghệ thông minh, cải cách hành chính công, như: Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý điều hành chương trình xây dựng nông thôn mới; Ứng dụng công nghệ điện toán đám mây quản lý trực tuyến hoạt động du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống thiên tai; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý đất lâm nghiệp tỉnh Thái Nguyên…

Lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ sử dụng tiết kiệm, bảo vệ môi trường phát triển bền vững, như: Nghiên cứu qui trình công nghệ xử lý nước thải của quá trình làm giàu và nấu luyện thiếc; xử lý môi trường chăn nuôi kết hợp sản xuất phân hữu cơ, vi sinh; ứng dụng công nghệ GIS và phương pháp phân tích thứ bậc (AHP) trong phân vùng thích nghi đất đai cho cây Ba kích trên địa bàn tỉnh…

Trong lĩnh vực bảo tồn nguồn gen, nhiệm vụ KH&CN đã tiến hành bảo tồn được 7 nguồn gen gồm: Cá Lăng chấm; cá Chạch sông; dê cỏ (dê Nản) Định Hóa; cây Re hương; ếch Ang Tam Đảo; nguồn gen giống cá Nheo và 2 chủng vi sinh vật phòng, trị bệnh cho cây chè. Đang tiếp tục triển khai thực hiện 12 nhiệm vụ KH&CN để bảo tồn 12 nguồn gen là các giống cây, con quý hiếm, đặc hữu như: cây Vù hương; lợn đen huyện Định Hóa; đậu tương cúc bóng; cây na La Hiên; nguồn gen gà của đồng bào Mông; nguồn gen cây hồng Việt Cường; cây nghiến Gân ba; cây Đinh mật; cây lan Kim tuyến; cây Mã tiền lông; giống gà Ri vàng; giống gà nhiều cựa của đồng bào Dao...

Với lợi thế là địa phương có tiềm năng về nhân lực KH&CN, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy gần 4.000 người, trong đó có 151 giáo sư, phó giáo sư; 764 tiến sĩ. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ KH&CN làm ở các doanh nghiệp, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử cũng có số lượng lớn. Đây là tiềm năng, lợi thế rất lớn của tỉnh về nguồn nhân lực KH&CN, là tiền đề vững chắc cho hoạt động KHCN và ĐMST, là chìa khóa cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững trong tương lai.