Bộ Thương mại Mỹ: Tình trạng thiếu chip bán dẫn sẽ kéo dài tới nửa sau năm 2022

14:54, 27/01/2022

Ngày 26-1, truyền thông Mỹ dẫn báo cáo nghiên cứu về nguồn cung bán dẫn do Bộ Thương mại nước này vừa công bố cho biết, tình trạng thiếu hụt trên toàn cầu sẽ kéo dài ít nhất là tới nửa sau năm 2022. 

Đây là nghiên cứu toàn diện, thu thập dữ liệu chuỗi cung ứng từ 150 doanh nghiệp, hầu hết các công ty và công ty bán dẫn lớn trong các ngành công nghiệp khác nhau. Báo cáo của nghiên cứu ghi nhận nhu cầu linh kiện bán dẫn năm 2021 cao hơn 17% so với hai năm trước đó, nhưng năng lực sản xuất không hề được cải thiện. Điều này dẫn tới hệ quả là dù dây chuyền của các hãng sản xuất bán dẫn vận hành trên 90% công suất nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu. 

Cũng theo báo cáo, các kho dự trữ linh kiện bán dẫn trung gian thay vì đủ khả năng đảm bảo nguồn cung linh kiện trong 40 ngày vào năm 2019 đã tụt xuống chỉ còn 5 ngày trong năm 2021. Nói cách khác, dư địa cho rủi ro nguồn cung lúc này rất “mỏng”, và chỉ một sự cố nhỏ trên các dây chuyền linh kiện sẽ ngay lập tức khiến các nhà máy ô tô, điện thoại… phải dừng hoạt động. 

Báo cáo chỉ ra, các nhà sản xuất băng thông rộng, ô tô và thiết bị y tế nằm trong nhóm chịu thiệt hại nặng nề nhất. Với nhu cầu cao về các loại vi xử lý kiểu truyền thống và vi xử lý tiên tiến phục vụ tính toán trí tuệ nhân tạo, hầu hết doanh nghiệp sản xuất nhóm này đã phải tạm dừng hoạt động hoặc giảm công suất ở nhiều nhà máy trong suốt 12 tháng qua vì không có linh kiện đầu vào. Sản lượng suy giảm còn khiến giá cả trên thị trường tăng cao, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát. “Giá ô tô cũ tại Mỹ hiện đã cao hơn 37% so với năm 2020” - báo cáo có đoạn. 

Đáng chú ý, tuy báo cáo cho rằng hiện tượng đầu cơ, tích trữ không góp phần vào sự thiếu hụt, nhưng đã khiến giá linh kiện bán dẫn tăng cao, gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trước thực trạng này, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina M. Raimondo khẳng định sẽ chỉ đạo điều tra hành vi này. 


Hầu hết các nhà máy bán dẫn đang vận hành ở mức “đỉnh”, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.

Chính phủ sẽ không thể trực tiếp chấm dứt tình trạng thiếu hụt. Trong khi đó, dù các hãng bán dẫn lớn có những dự án táo bạo chưa từng thấy nhằm tháo gỡ khó khăn, nhưng hiệu quả mang lại chưa thể “một sớm một chiều”. Điển hình, Intel vừa công bố khoản đầu tư 20 tỷ USD để xây dựng 2 nhà máy sản xuất chip mới tại Ohio (Mỹ). Tuy nhiên, dù việc xây dựng được khởi động ngay lập tức, nhưng phải tới năm 2025 những sản phẩm đầu tiên mới xuất xưởng. 

Trong bối cảnh đó, các công ty tư nhân được khuyến khích tự tìm cách vượt khó bằng những biện pháp như tối ưu hóa thiết kế sản phẩm, đưa ra các giải pháp chiến lược góp phần hạn chế tác động đến chuỗi cung ứng....