Trong năm 2021, 3/5 tuyến cáp quang biển bị sự cố ít nhất 3 lần mỗi tuyến, ảnh hưởng không nhỏ đến người dùng internet trong nước, nhất là trong điều kiện dịch bệnh khiến gia tăng các hoạt động trên môi trường mạng. Do vậy, để bảo đảm kết nối internet Việt Nam đi quốc tế, các nhà cung cấp dịch vụ cho rằng đã đến lúc cần phải xây dựng chiến lược phát triển cáp quang biển.
Về nguyên nhân sự cố, theo đại diện các nhà cung cấp dịch vụ, các tuyến cáp quang biển (cáp biển) đều có điểm kết nối chủ yếu đến các khu trung chuyển (Hub) chính toàn cầu là Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ, Pháp - cũng là khu vực có mật độ giao thương rất lớn về hàng hải nên hay bị sự cố neo tàu vướng phải. Các hoạt động hàng hải là nguyên nhân gây ra 70-80% sự cố cáp biển. Số còn lại là do tác động từ các hiện tượng tự nhiên dưới lòng đại dương…
Mặc dù cáp biển hay gặp sự cố, nhưng đến nay vẫn được coi là hạ tầng quan trọng và thiết yếu kết nối internet đi quốc tế. Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội - Viettel) Đoàn Đại Phong, trên thế giới, cáp biển chiếm tới
95-97% hạ tầng kết nối viễn thông, vì cáp biển có những ưu điểm vượt trội như: Tính độc lập, không phụ thuộc vào nước khác (sử dụng bờ biển của nước mình); có thể chủ động khai thác, nâng cấp hoặc định tuyến; có chất lượng cao hơn và chi phí bảo dưỡng thấp hơn so với cáp quang đất liền. So với vệ tinh, cáp biển vẫn vượt trội hơn về chất lượng (độ trễ ít, không bị ảnh hưởng suy hao do thời tiết như mưa bão) và chi phí. Cùng quan điểm, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hạ tầng mạng (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT) Đặng Anh Sơn lý giải, các nhà mạng ít đầu tư cho cáp trên đất liền vì những rủi ro về an toàn và chi phí vận hành cao. Thêm nữa, suất đầu tư cho cáp biển chỉ khoảng 40-50 triệu USD, thấp hơn nhiều so với chi phí đầu tư vệ tinh (khoảng 200 triệu USD), đồng thời dung lượng kết nối cao gấp nhiều lần.
Tuy nhiên, trong số 7 tuyến cáp quang biển mà các nhà mạng đầu tư, chỉ có 5 tuyến đang hoạt động (AAG, SMW3, IA, APG, AAE-1), 2 tuyến (SJC2, ADC) dự kiến khai thác trong giai đoạn 2022-2023. Đáng chú ý, trong số 5 tuyến đang hoạt động, thì tuyến SMW3 vận hành từ năm 1999, dung lượng ít và chuẩn bị thanh lý; tuyến AAG, IA vận hành từ năm 2009, có công nghệ cũ… Như vậy, để bảo đảm đủ dung lượng kết nối internet quốc tế, trong nước phục vụ nhu cầu chuyển đổi số, các nhà mạng phải có chiến lược đầu tư hạ tầng cáp quang biển, chú trọng đầu tư các tuyến cáp biển mới có quy mô lớn và công nghệ tiên tiến hơn.
Về chiến lược phát triển cáp biển trong thời gian tới, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel Đoàn Đại Phong cho biết, hiện tại Viettel và các nhà mạng đã chủ động đầu tư, khai thác các hệ thống cáp biển theo nhu cầu. Tuy nhiên, có một thực tế là hiện chưa tận dụng được hết tiềm năng cửa ngõ và bờ biển dài của Việt Nam. Đặc biệt, những năm gần đây, Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á được đánh giá là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về trung tâm dữ liệu trong xu thế điện toán đám mây, chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ.
“Cáp biển và trung tâm dữ liệu luôn song hành với nhau. Đưa Việt Nam trở thành khu trung chuyển công nghệ thông tin như Singapore là giấc mơ và tầm nhìn của Viettel”, ông Đoàn Đại Phong nói. Do vậy, hạ tầng cáp biển của Việt Nam phải được đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, quy trình thủ tục đầu tư cáp biển phải được quy định rõ ràng trong luật trên tinh thần coi hạ tầng cáp biển là hạ tầng viễn thông chiến lược để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông.
Về vấn đề này, cả đại diện Viettel và VNPT đề xuất, Bộ Thông tin và Truyền thông nên có định hướng, chiến lược về việc phát triển kết nối quốc tế trong 5-10 năm tới làm cơ sở để các doanh nghiệp xây dựng và triển khai dự án, đáp ứng nhu cầu phát triển internet tại Việt Nam. Cùng với đó là đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành khu trung chuyển số của khu vực, từ đó giúp các nhà mạng trong nước giảm chi phí đầu tư kết nối quốc tế, giảm phụ thuộc kết nối vào các tuyến cáp quang biển thường xuyên xảy ra sự cố.