Chuyển đổi số: “Trái ngọt mùa đầu”

07:07, 01/01/2022

Sau một năm đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), Thái Nguyên hiện xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh phấn đấu xây dựng thành trung tâm CĐS của khu vực và cả nước với mục tiêu đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về lĩnh vực này.

“Lá chắn số” phòng, chống dịch

Tính đến nay, Thái Nguyên vẫn được xem là một trong những địa phương đi đầu cả nước giữ “vùng xanh” đối với dịch COVID-19. Trước nguy cơ dịch bệnh, Thái Nguyên đã chủ động triển khai các giải pháp công nghệ để phòng, chống. Trong đó, Trung tâm điều hành thông minh (IOC) và ứng dụng công dân số C-ThaiNguyen là nền tảng kết nối các giải pháp đột phá, ứng dụng công nghệ thông tin phòng, chống dịch.

Phương tiện đi từ vùng dịch về Thái Nguyên được hệ thống máy quay chuyên dụng phát hiện tự động và phản ánh đến lực lượng chức năng kịp thời xử lý.

Một trong những giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả cao là phần mềm kiểm soát các phương tiện đến Thái Nguyên qua cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Với mật độ phương tiện lên tới hàng chục nghìn lượt mỗi ngày, giải pháp này kịp thời phát hiện, xử lý người khai báo không trung thực khi đi từ các địa phương khác về Thái Nguyên, đặc biệt là từ các vùng dịch…

Ông Đào Duy Thái, Phó Giám đốc Viettel Thái Nguyên - đơn vị trực tiếp xây dựng giải pháp này cho biết: Hệ thống có thể nhận biết chính xác dữ liệu từ các phương tiện khi đang di chuyển và xử lý tự động, lưu trữ tại IOC. Lực lượng chức năng có thể truy cập dữ liệu qua ứng dụng C-ThaiNguyen để đối chiếu với phương tiện cần kiểm soát.

Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông đã xây dựng mới chương trình đào tạo hệ đại học về trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn (Big Data) cùng các chương trình đào tạo khác phù hợp với xu hướng CĐS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Cũng từ nền tảng IOC, tỉnh lắp đặt gần 500 camera giám sát tại các chốt kiểm dịch, trung tâm cách ly tập trung; trong đó có khoảng 400 camera truyền tải dữ liệu về IOC phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch COVID-19. Tỉnh cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cài đặt và sử dụng các ứng dụng như: Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, PC-COVID, Sổ sức khỏe điện tử. Ngoài ra, Thái Nguyên cũng triển khai một số nền tảng điện tử như: Quản lý xét nghiệm và trả kết quả điện tử; quản lý tiêm vắc xin COVID-19; bản đồ dịch tễ và trang thông tin điện tử trên ứng dụng C-ThaiNguyen…

“Phòng họp” phá vỡ giới hạn địa lý

Trong chương trình làm việc tại Thái Nguyên đầu tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc đặc biệt, kết nối trực tuyến với điểm cầu các huyện, thành phố, thị xã và 178 xã, phường, thị trấn của tỉnh, với tổng số trên 700 đại biểu tham dự. Đây là số lượng đại biểu lớn nhất từ trước đến nay tham dự trong hội nghị làm việc của một nguyên thủ quốc gia với tỉnh Thái Nguyên. Qua hội nghị, lần đầu tiên, các cán bộ từ cấp xã, phường... ở những vùng xa nhất của tỉnh được tham dự, trao đổi trực tiếp với Thủ tướng và đoàn công tác của Chính phủ.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Thái Nguyên tổ chức một “phòng họp” phá vỡ giới hạn địa lý như vậy. Đầu năm 2021, Thái Nguyên được ghi nhận là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tuyến với 105 điểm cầu tham gia, góp phần vào thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là kết quả của việc “phủ sóng” hội nghị trực tuyến đang đi vào nề nếp từ việc CĐS trên địa bàn tỉnh.

Việc xác thực định danh công dân trên ứng dụng ThaiNguyen ID sẽ khắc phục tình trạng sai sót hoặc vẫn phải thủ tục giấy trong một số thủ tục hành chính công. Trong ảnh: Công dân Thái Nguyên sử dụng dịch vụ công tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh.

Nói về kết quả CĐS, ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông dẫn lời Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhận xét: Áp dụng CĐS giống như “cá nhanh nuốt cá chậm”. Ai đi đầu, đi nhanh thì thành công. Thái Nguyên đi nhanh, đi trước và đã có hiệu quả, tạo ra dấu ấn của CĐS. Ông Hòa cũng chia sẻ thêm: Để được Trung ương đánh giá là địa phương đi nhanh, đi trước, cả hệ thống chính trị trên địa bàn đã vào cuộc tích cực để thực hiện CĐS. Qua đó, toàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu trên cả 3 trục chuyển đổi số gồm: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Đặc biệt, mới đây nhất, Thái Nguyên đã đưa Thái Nguyên ID vào hoạt động. Đây là ứng dụng có những công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, Big Data và công nghệ định danh điện tử (eKYC), giúp định danh chính xác cá nhân trên không gian số. Với ThaiNguyen ID, nền tảng công dân số sẽ được thiết lập cho toàn bộ công dân trong tỉnh trên cơ sở định danh cá nhân. Từ đó, ứng dụng có thể giúp công dân tiếp cận đầy đủ các dịch vụ công trực tuyến, đồng thời giúp nhà quản lý phân tích, dự báo và xây dựng các chiến lược phát triển.

Kết quả tiêu biểu trên 3 trục chuyển đổi số:

Về phát triển chính quyền số, tỉnh đã đáp ứng 100% thủ tục hành chính mức độ 4, 100% các hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung được phát triển và khai thác hiệu quả.

Trong lĩnh vực kinh tế số, Thái Nguyên đã ứng dụng công nghệ số kết nối, quảng bá các sản phẩm chủ lực; đưa vào sử dụng sàn giao dịch thương mại điện tử; xúc tiến thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình.

Đối với phát triển xã hội số, 100% cơ sở giáo dục ứng dụng phần mềm quản lý nhà trường; 100% trạm y tế cấp xã triển khai ứng dụng quản lý thông tin y tế; triển khai hệ thống khám chữa bệnh từ xa; triển khai các nền tảng công dân số...