Ước tính đến cuối năm 2021, cả nước có khoảng 71 triệu thuê bao băng rộng di động (3G, 4G, 5G). Trong đó, lượng thuê bao 4G là chủ yếu khi chiếm 89,42%, tiếp sau là thuê bao 3G chiếm 10,05% và thuê bao 5G là 0,54%. Sự tăng trưởng thuê bao internet di động (chiếm khoảng 2/3 dân số và hơn 1/2 tổng số thuê bao di động), được coi là tiền đề cho thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.
Song bên cạnh đó, những con số trên cũng cho thấy tỷ lệ người dùng 5G hiện còn quá ít (0,54% thuê bao). Trong khi đó, 3 nhà cung cấp dịch vụ di động Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone đã triển khai thử nghiệm thương mại 5G ở 16 tỉnh, thành phố, với hàng trăm trạm thu phát sóng (BTS) 5G và kinh phí đầu tư không hề nhỏ (hơn 1 tỷ đồng/trạm).
Dịch vụ 5G với ưu điểm truyền tải lượng dữ liệu lớn, tốc độ cao vượt trội, có độ trễ rất thấp giúp mạng di động tăng tốc độ truyền dữ liệu và cải thiện băng thông so với công nghệ 4G. Tuy nhiên, công nghệ 5G được cho là phù hợp để hỗ trợ các thiết bị hoạt động tự động hoặc có thể kết nối với nhau, chẳng hạn như nhà thông minh, phương tiện tự lái, hệ thống nông nghiệp chính xác, máy móc công nghiệp và người máy tiên tiến… Với lượng người dùng còn ít ỏi, sau hơn 1 năm chính thức thương mại hóa đặt ra một số vấn đề, như nhu cầu thực sự dùng 5G hiện nay, hiệu quả đầu tư ra sao? Dùng 5G vào việc gì?
Trong khi đó, với sự phát triển của công nghệ, công nghệ thông tin di động 6G đã ra đời, đang được một số nước bắt tay nghiên cứu. Vì vậy, không ít chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng, để hòa nhịp với xu hướng công nghệ của thế giới, Việt Nam cũng nên bắt tay nghiên cứu 6G, trước mắt dừng ở các trường đại học, viện nghiên cứu để có những đánh giá, nhận định và hoạch định chính sách phát triển phù hợp, chính xác, bảo đảm hiệu quả đầu tư cho các nhà mạng.