Trong công tác phòng chống thiên tai (PCTT), tại tất cả các giai đoạn trước, trong và cả sau khi thiên tai xảy ra, công tác thông tin phải luôn đảm bảo kịp thời, nhanh chóng, chính xác. Do vậy, việc áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại và đẩy mạnh ứng dụng chuyên đổi số (CĐS) trong PCTT là rất quan trọng nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.
Gửi các địa phương công điện chủ động ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, lũ quét, sạt lở đất”. “Hiện TP. Thái Nguyên đang có mưa, đề nghị các địa phương trực ban nghiêm túc, chỉ đạo, báo cáo kịp thời”. “Võ Nhai đang bị ngập một số ngầm tràn…”. Liên tục tin nhắn trong nhóm Zalo “PCTT Thái Nguyên” do các cán bộ làm nhiệm vụ ứng trực PCTT tại các địa phương báo về mỗi khi trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng mưa bão...
Là phóng viên tuyên truyền về PCTT nên tôi cũng là thành viên của Nhóm, được cập nhật đầy đủ, kịp thời tình hình thiên tai, các văn bản chỉ đạo, công điện khẩn của các cấp… bằng cả hình ảnh, video.
Ông Nông Minh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai chia sẻ: Hiện nay, công tác thông tin dự báo, cảnh báo nhanh thuận tiện hơn trước đây rất nhiều bởi chỉ cần 1 cuộc gọi, hay điện thoại thông minh có kết nối mạng.
Cùng với việc ứng dụng số trong công tác thông tin tuyên truyền, trong lĩnh vực thủy lợi, ngành chức năng của tỉnh cũng đã phát triển hệ thống thông tin cảnh báo sớm thiên tai, tích hợp thông số tại các trạm đo mưa tự động và hệ thống camera trực tuyến giám sát mực nước tại các điểm xung yếu phục vụ quản lý một số hồ, đập thủy lợi, đê bao, lưu vực sông trên địa bàn tỉnh…
Cụ thể, Chi cục Thủy lợi đã phối hợp với các địa phương xác định vị trí và triển khai lắp đặt, đưa vào sử dụng 10 trạm đo mưa tự động. Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã lắp đặt 1 camera theo dõi trọng điểm tại KM5 tuyến đê Hà Châu; lắp đặt camera theo dõi giám sát mực nước tại 10 hồ chứa nước lớn (có dung tích thiết kế >1 triệu m3) trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, để cảnh báo nguy cơ cháy rừng, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ứng dụng công nghệ mã vạch trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản; công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh; phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng; hệ thống quan trắc môi trường.
Đặc biệt là Sở đã cho lắp đặt và đưa vào sử dụng hiệu quả 10 biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tự động trên địa bàn tỉnh với các tính năng: Cảm ứng nhiệt, tự xác định ẩm độ, nhiệt độ, dự báo các cấp độ cháy rừng, sử dụng chíp điện tử tích hợp trên điện thoại thông minh, trả kết quả dự báo cấp cháy rừng về điện thoại của cán bộ kiểm lâm…, qua đó góp phần chủ động, kịp thời trong công tác dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng.
Có thể thấy, với sự hỗ trợ đắc lực của khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai ngày càng hiệu quả hơn. Nhờ đó, các ngành, đơn vị địa phương có đầy đủ thông tin để chỉ đạo, điều hành, giúp người dân hạn chế thấp nhất các rủi ro, thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người. Thiệt hại do thiên tai tại tỉnh năm 2021 với năm 2020 đã giảm 2 người chết, 10 người bị thương, trên 43 tỷ đồng thiệt hại về tài sản.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi: Trong PCTT, điểm cốt yếu vẫn là thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, phát huy năng lực phối hợp giữa chính quyền với các ngành liên quan và người dân. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong cảnh báo sớm thông tin sẽ góp phần giúp "4 tại chỗ" phát huy tối đa tác dụng, đồng thời giúp các địa phương xây dựng sớm kịch bản phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thiên tai.