Giám đốc Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson ngày 29/6 cho biết cơ quan này sẽ công bố "hình ảnh sâu nhất về vũ trụ" do kính viễn vọng không gian James Webb chụp lại.
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Viện khoa học quản lý kính viễn vọng không gian tại Baltimore, ông Nelson nêu rõ hình ảnh trên sẽ được công bố vào ngày 12/7 tới. Ông nhấn mạnh: "Vị trí này xa hơn bất cứ điểm nào mà con người từng nhìn thấy trước đây".
Viện khoa học quản lý kính viễn vọng không gian tại Baltimore là trung tâm điều phối hoạt động của kính thiên văn James Webb - thế hệ sau của kính thiên văn huyền thoại Hubble và là một siêu kính viễn vọng có kích thước và độ phức tạp chưa từng thấy.
Trị giá 10 tỷ USD, James Webb được phóng vào không gian hồi tháng 12/2012, hoạt động trong quỹ đạo quay quanh Mặt Trời cách Trái Đất 1,5 triệu km, xa hơn nhiều so với kính viễn vọng Hubble chỉ hoạt động trên quỹ đạo của Trái Đất ở độ cao khoảng 610km kể từ năm 1990.
Được đánh giá là "một kỳ quan của kỹ thuật", James Webb có thể nhìn sâu vào vũ trụ hơn bất kỳ kính thiên văn nào trước đó nhờ phần gương có đường kính đến 6,5m (gấp 3 lần so với Hubble) được tạo thành từ 18 mảnh gương lục giác, và các thiết bị tập trung vào tia hồng ngoại, cho phép kính thiên văn này có thể nhìn xuyên qua bụi và khí.
Ông Nelson cho biết: "Kính thiên văn này sẽ khám phá các vật thể trong hệ Mặt Trời và bầu khí quyển của các ngoại hành tinh quay quanh các ngôi sao khác, cho chúng ta manh mối về việc liệu bầu khí quyển quanh chúng có tương tự như khí quyển của chúng ta hay không".
Khả năng hồng ngoại của James Webb cho phép kính thiên văn này quan sát sâu hơn trong thời gian, ngược trở lại thời điểm xảy ra vụ nổ Big Bang cách đây 13,8 tỷ năm.
Theo Phó Giám đốc NASA Pam Melroy, nhờ sự trôi chảy trong kỹ năng phóng tên lửa của công ty đối tác Arianespace (Pháp), kính thiên văn James Webb có thể hoạt động trong 20 năm, gấp đôi tuổi thọ dự kiến ban đầu. Bà Melroy nhấn mạnh: “20 năm đó không chỉ cho phép chúng ta đi sâu hơn vào lịch sử và thời gian, mà còn đi sâu hơn vào khoa học vì chúng ta có cơ hội học hỏi, trưởng thành và đưa ra những quan sát mới".
Dự kiến, vào ngày 12/7 tới, NASA cũng sẽ chia sẻ hình ảnh quang phổ đầu tiên của James Webb về một ngoại hành tinh. Quang phổ là một công cụ để phân tích thành phần hóa học và phân tử của các vật thể ở xa và quang phổ hành tinh có thể giúp mô tả đặc điểm của bầu khí quyển và các đặc tính khác của khí quyển, như có nước hay không, hoặc mặt đất ra sao.