Ngày 1/6, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo báo cáo của các nhà mạng, tính đến hết tháng 5/2023, 4/5 tuyến cáp quang biển quốc tế gặp sự cố thời gian qua đã được sửa xong, khôi phục lại đường truyền internet trên các tuyến. Hiện chỉ còn tuyến cáp biển APG vẫn đang gặp lỗi và sẽ sớm được khắc phục trong tháng 6/2023.
Cuối tháng 5/2023, sự cố trên cáp biển AAG đã được khắc phục, tốc độ, chất lượng internet của Việt Nam đi quốc tế trở lại bình thường. AAG là một trong 5 tuyến cáp quang biển quốc tế đang chiếm phần lớn dung lượng kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với 4 tuyến khác gồm SMW3, AAE-1, APG và IA (còn gọi là Liên Á).
Theo đại diện Trung tâm Internet Việt Nam, thời gian gần đây, người dùng không phàn nàn nhiều với chất lượng dịch vụ internet quốc tế khi các tuyến cáp đã được khôi phục. Đồng thời, mỗi khi có sự cố đứt cáp, các nhà mạng viễn thông của Việt Nam luôn để ý và đảm bảo được chất lượng cho khách hàng.
Việc 4 tuyến cáp biển: IA, SMW3, AAE-1 và AAG hoàn thành sửa chữa, khôi phục hoạt động bình thường, chất lượng dịch vụ internet Việt Nam được cải thiện do lưu lượng internet có nhiều lựa chọn kết nối hơn và độ trễ tốt hơn. Các nhà mạng viễn thông sẽ linh hoạt hơn trong việc điều hướng lưu lượng, đảm bảo chất lượng dịch vụ và tăng trải nghiệm cho khách hàng dùng internet.
Nhắc đến tình huống hy hữu, 5 tuyến cáp quang biển cùng gặp sự cố trong giai đoạn gần đây, đại diện Trung tâm Internet Việt Nam cho rằng, cả cơ quan quản lý và các nhà mạng đều rút ra được nhiều kinh nghiệm. Tình huống này đã cho thấy sự khó lường, bất ổn định của hệ thống cáp biển từ Việt Nam đi quốc tế hiện nay.
Giải pháp là Việt Nam cần thêm các tuyến cáp biển với hướng đi đa dạng hơn, để giảm thiểu tình trạng đồng thời đa số các tuyến cáp biển không sử dụng được. Điều này không chỉ liên quan đến việc kinh doanh dịch vụ của từng nhà mạng, mà còn liên quan đến tính an toàn của internet Việt Nam nói chung. Mặc dù thời gian để chuẩn bị đầu tư và việc triển khai một tuyến cáp quang biển mới thường mất nhiều năm nhưng đầu tư cho hạ tầng là việc vô cùng quan trọng để đảm bảo sự hoạt động cho sự gia tăng nhanh của các thiết bị IoT, của chuyển đổi số trong thời gian tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin