Xe tự hành Sao Hỏa Perseverance Mars của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện một tảng đá hình đầu mũi tên có đốm, với các đặc điểm có thể cho thấy sự sống của vi khuẩn cách đây hàng tỷ năm trên Sao Hỏa.
(Ảnh do NASA công bố ngày 7/6/2018) Xe tự hành Curiosity làm nhiệm vụ trên bề mặt Sao Hỏa. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Trong quá trình thám hiểm Neretva Vallis, một thung lũng sông cổ trên Sao Hỏa ngày 21/7, xe tự hành Perseverance Mars đã bắt gặp tảng đá trên, được đặt tên là Cheyava Falls theo một thác nước ở Hẻm núi lớn (Grand Canyon ở bang Arizona, Mỹ). Nhóm nhà khoa học đã phân tích tảng đá bằng tia X và tia laser, và thấy sự hiện diện của các mạch calcium sunfate màu trắng, một vùng giữa màu đỏ và các đốm nhỏ màu trắng đục trên tảng đá.
Nhà sinh vật học vũ trụ tại Đại học Queensland (Australia), thành viên của nhóm khoa học trên, ông David Flannery cho biết: "Trên Trái Đất, những đặc điểm như vậy trong đá thường liên quan đến hồ sơ hóa thạch của vi khuẩn sống dưới bề mặt".
Dù các đặc điểm quan sát được trong tảng đá cho thấy khả năng có sự sống của vi khuẩn trên Sao Hỏa trong thời kỳ ấm hơn và ẩm ướt hơn, nhưng không thể loại trừ các giải thích thay thế như nhiệt độ cao khiến môi trường không thể sinh sống được. Để xác nhận liệu tảng đá có thực sự chứa bằng chứng về sự sống của vi khuẩn hay không, cần phải tiến hành thêm các cuộc kiểm tra trên Trái Đất.
Tuy nhiên, sứ mệnh của NASA đưa các mẫu vật về Trái Đất đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm cả việc chi tiêu vượt ngân sách và sự chậm trễ đáng kể, đẩy thời gian hoàn thành dự kiến đến những năm 2040. NASA đang tích cực tìm hiểu các phương pháp thay thế để đẩy nhanh việc đưa các mẫu Sao Hỏa về Trái Đất với mục tiêu sớm hơn và với chi phí thấp hơn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin