Nhiều nguồn gen quý được bảo vệ

Dương Hưng 10:20, 12/12/2024

Nhờ tăng cường công tác quản lý nên các loài động, thực vật trong Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng (Võ Nhai) được bảo vệ. Qua đó, tính đa dạng sinh học ngày càng phong phú, các nguồn gen quý được bảo vệ nghiêm ngặt.

Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng với các dãy núi đá trải dài trên địa phận 8 địa phương của huyện Võ Nhai.
Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng với các dãy núi đá trải dài trên địa phận 8 địa phương của huyện Võ Nhai.

Theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng, Thái Nguyên hiện có 3 khu rừng đặc dụng, gồm: Vườn Quốc gia Tam Đảo (có hơn 11 nghìn héc-ta thuộc địa phận Thái Nguyên); Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng (Võ Nhai); Rừng đặc dụng ATK Định Hóa, với tổng diện tích lên gần 35 nghìn héc-ta. Đây là những khu rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt, cấm mọi hành vi xâm hại.

Thực hiện quản lý các khu rừng này, Thái Nguyên có 2 cơ quan chức năng của tỉnh, gồm: Ban Quản lý rừng đặc dụng Thần Sa - Phượng Hoàng và Ban Quản lý rừng đặc dụng ATK Định Hóa. Còn đối với rừng Tam Đảo (thuộc địa phận 2 tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc) do Vườn Quốc gia Tam Đảo quản lý. Đây là những khu rừng tự nhiên, với hệ động thực vật phong phú và đa dạng.

Cán bộ bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ Thái Nguyên tiến hành điều tra đa dạng sinh học tại khu rừng được giao quản lý.
Cán bộ bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ Thái Nguyên tiến hành điều tra đa dạng sinh học tại khu rừng được giao quản lý.

Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng là khu rừng đặc dụng quan trọng của tỉnh Thái Nguyên và cả nước (trước đây gọi là Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng). Khu dự trữ thiên nhiên được thành lập năm 1999, với tổng diện tích hơn 18.700ha, nằm trên các dãy núi đá vôi trải dài trên địa phận của 7 xã và 1 thị trấn, thuộc địa bàn huyện Võ Nhai, gồm: Thần Sa, Sảng Mộc, Thượng Nung, Nghinh Tường, Vũ Chấn, Phú Thượng, Cúc Đường và thị trấn Đình Cả. Đây là khu rừng tự nhiên lớn nhất còn lại của tỉnh và được xem như “lá phổi xanh tự nhiên”, với cảnh quan thiên nhiên đẹp, hùng vỹ, có hệ động thực vật rất phong phú, đa dạng.

Qua điều tra sinh học hằng năm của cơ quan chức năng, hiện Khu dự trữ thiên nhiên có 6 kiểu thảm thực vật, với hơn 1.230 loài thực vật, thuộc 660 chi, 171 họ. Trong đó, 56 loài trong sách đỏ Việt Nam và thế giới thuộc đối tượng cần phải bảo tồn, như: Đinh, nghiến, dổi, kháo xanh… Về động vật, Khu dự trữ thiên nhiên có 346 loài, 89 họ, 25 bộ, trong đó có 60 loài nguy cấp, quý hiếm cần được bảo tồn, như: Khỉ đuôi lợn, cu li; hoãng, hươu, nai…

Trong rừng còn nhiều loại động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam. Trong ảnh: Khỉ mốc được phát hiện trên vách núi đá trong quá trình điều tra đa dạng sinh học tại rừng đặc dụng.
Trong rừng còn nhiều loại động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam. Trong ảnh: Khỉ mốc được phát hiện trên vách núi đá trong quá trình điều tra đa dạng sinh học tại rừng đặc dụng.

Bên cạnh đó, tại Khu dự trữ thiên nhiên còn có hệ thống hang động, di tích lịch sử - khảo cổ học là cái nôi của người Việt cổ; có vị trí quan trọng đối với an ninh quốc phòng. Vì vậy, Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng có một vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tỉnh Thái Nguyên - đảm bảo an toàn về môi trường sinh thái và an ninh quốc phòng.

Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Thái Nguyên đã triển khai và sẽ tiếp tục tập trung thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên đa dạng sinh học và các hệ sinh thái rừng đặc trưng, như: Các chương trình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học; tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ công tác bảo vệ, bảo tồn; hỗ trợ phát triển cộng đồng dân cư vùng đệm nhằm giảm áp lực tiêu cực đến tài nguyên rừng, góp phần ổn định đời sống cho cộng đồng dân cư sống trong và gần rừng; tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương với cán bộ bảo vệ rừng trong công tác kiểm tra, để kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi xâm hại đến rừng.