Như tin đã đưa, mạng di động ảo Đông Dương (Công ty CP Viễn thông Đông Dương) vừa bị Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) ra quyết định rút giấy phép kinh doanh do chậm triển khai dịch vụ theo quy định. Như vậy, Đông Dương đã phải nói lời tạm biệt với thị trường di động vốn cạnh tranh quá khốc liệt…
Khái niệm mạng viễn thông di động mặt đất không tần số (còn gọi là mạng di động ảo) đã được các phương tiện truyền thông đề cập từ cách đây vài năm. Đây là mô hình mạng di động dùng chung tài nguyên tần số xuất hiện lần đầu tại Anh năm 1999 và hiện có hơn 400 nhà cung cấp đang hoạt động trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, ngày 19-8-2009, lần đầu tiên Bộ TT-TT cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ này cho Đông Dương. Cũng tại thời điểm nhận giấy phép, lãnh đạo DN này cho biết sẽ triển khai cung cấp dịch vụ trong quý I năm 2010 trên cơ sở hợp tác hạ tầng với Viettel. Nhưng đã hết thời hạn dự kiến vẫn không thấy mạng ảo Đông Dương ra đời. Trong khi Đông Dương lỗi hẹn, đến giữa tháng 6-2010, lại thêm VTC nhận giấy phép kinh doanh mạng ảo, dự kiến cuối năm 2010 có thể triển khai dịch vụ dựa trên sự chia sẻ hạ tầng mạng 3G với đối tác EVN Telecom. Nhưng, cả VTC cũng lỗi hẹn.
Ngay tại thời điểm cấp phép cho hai nhà mạng kể trên, nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại thời điểm các DN này gia nhập đúng vào lúc thị trường bắt đầu bước vào giai đoạn bão hòa. Thị phần chủ chốt hiện nằm trong tay ba "đại gia" Viettel, Vinaphone, Mobifone (chiếm tới 95%)… Bên cạnh đó, thời điểm mà các mạng ảo gia nhập và cung cấp dịch vụ (nếu có) cũng là lúc mà các mạng nhỏ như S-Fone, Beeline (G-mobile hiện nay), EVN Telecom, Vietnamobile đang đối mặt với một loạt khó khăn. Từ đó cho thấy, nhà mạng đã có sẵn hạ tầng còn gặp khó, huống chi nhà mạng phải đi mua lại hạ tầng để kinh doanh dịch vụ - phải đưa ra giá cước cạnh tranh hơn. Song khi đó Đông Dương cũng có những cơ sở thuận lợi như đã tìm được đối tác là Viettel có hạ tầng rộng lớn, được chia sẻ đầu số vàng 099 với Beeline, lại có tiền đề là trên thế giới có hàng trăm nhà cung cấp ảo, trong đó có trường hợp ở một số quốc gia, có tới chục nhà khai thác kiểu như thế này cùng tồn tại. Trong một lần trao đổi với báo giới cách đây 3 năm, một đại diện của Viettel cho biết, họ đã nghiên cứu về việc khai thác mạng ảo ở nước ngoài và thấy hầu hết mạng di động này tồn tại được là do nhà cung cấp chọn cách đi vào thị trường "ngách" - cung cấp dịch vụ cho một nhóm đối tượng và các dịch vụ gia tăng cho nhóm đối tượng đó… Song theo vị đại diện Viettel này, trong các đàm phán với đối tác mạng ảo khi đó, họ chưa thấy được phương án kinh doanh kiểu như vậy. Không vượt qua được khó khăn, hơn ba năm sau ngày được cấp phép, mạng ảo Đông Dương không thể cung cấp dịch vụ, bị thu hồi giấy phép.
Vậy còn VTC và câu hỏi đặt ra là liệu còn cửa cho mạng ảo? Như đã nói ở trên, thị phần hiện thuộc về ba nhà mạng quá mạnh: Viettel, Vinaphone, Mobifone, trong khi thị trường đã bão hòa. Chính các nhà đầu tư nước ngoài - đối tác của mạng nhỏ S-Fone, Beeline, sau một thời gian cạnh tranh khốc liệt lần lượt phải tháo chạy. Từ đó cũng có thể nói rằng, "cửa" đã đóng với mạng ảo!
Một vấn đề nữa được xem như là biện pháp kinh tế để hạn chế việc xin cấp phép dịch vụ rồi để đấy đó là Bộ TT-TT đã xây dựng xong đề án về thu phí thương quyền để trình Chính phủ phê duyệt. Được biết, các dịch vụ viễn thông di động, internet cố định sẽ bị thu phí thương quyền với mức không quá 1% doanh thu hằng năm; hoặc có một mức sàn cho DN có doanh thu thấp… tóm lại là phải đóng phí. Như vậy, kể cả những DN nhận giấy phép mà không triển khai cũng bị thu phí nếu đề án này được phê duyệt. Vì vậy, có thể thấy rằng, trong thời gian tới, thật khó cho sự ra đời với các mạng ảo, nếu họ còn ý định.