Camera của iPhone 6 chỉ có 8MP trong khi đối thủ của nó - Galaxy S6 sở hữu camera 16 chấm. Ấy thế nhưng chất lượng ảnh chụp của hai con dế lại tương đương nhau về độ rõ, mịn và sắc nét.
Tại sao lại như vậy?
Thường thì người dùng luôn tưởng rằng, độ phân giải càng cao thì chất lượng ảnh chụp càng "ngon". Megapixel cũng là thước đo chính mà nhà sản xuất thường dùng để quảng cáo cho sức mạnh chụp hình của sản phẩm.
Trên lý thuyết, càng nhiều điểm ảnh thì bức ảnh các sắc nét, tương tự như càng nhiều ô gạch thì bức tường mosaic càng chi tiết. Nhưng trong thực tế, điểm ảnh phải dựa vào sensor để thu ánh sáng. Sensor càng lớn thì số điểm ảnh được hỗ trợ thu sáng càng nhiều, nhờ đó mà bức ảnh sẽ sáng hơn, sắc nét hơn. Nhưng càng nhiều điểm ảnh "chen chúc" nhau trên sensor thì kích cỡ của chúng càng cần phải thu nhỏ lại. Mà điểm ảnh càng nhỏ thì ánh sáng thu được càng ít, hậu quả là ảnh sẽ bị ruồi, nhiễu hoặc thiếu sắc nét.
Một trong những biện pháp khắc phục là giữ cho cửa sập mở đủ lâu để thu hút đủ lượng ánh sáng đi qua sensor. Nhưng trong điều kiện yếu sáng, biện pháp này cũng không giúp ích được nhiều.
Đồng thời, bức hình cũng sẽ không được nét nếu điểm ảnh quá lớn. Đó chính là trường hợp của công nghệ UltraPixel mà HTC từng quảng cáo rầm rĩ. Về cơ bản, một UltraPixel sẽ bao gồm 4 điểm ảnh, bản thân mỗi điểm ảnh này đã lớn hơn điểm ảnh thông thường của camera smartphone rồi. Công nghệ này cho phép chụp những bức ảnh nhòa phông hoặc yếu sáng khá đẹp, nhưng độ trong và sắc nét của ảnh chỉ ở mức khá, do 4 điểm ảnh không đủ để nắm bắt các chi tiết tinh tế. Bản thân HTC sau những phản hồi nhạt nhẽo từ phía giới chuyên môn cũng đã phải từ bỏ UltraPixel để chuyển sang sensor 20MP bình thường cho One M9.
Do đó, muốn chụp ảnh đẹp cần có sự cân bằng hài hòa giữa sensor và kích cỡ điểm ảnh. Camera của iPhone 6 sở hữu sensor 1/2.2 inch và 8MP, trong khi Galaxy S6 sở hữu sensor lớn hơn (1/1.19 inch) nhưng số lượng điểm ảnh cũng nhiều hơn (16MP). Về cơ bản, camera của 2 con dế này khá tương đồng, chỉ là sử dụng các linh kiện và cách tiếp cận khác nhau mà thôi.