Gần 50 hãng sản xuất phần mềm chống mã độc nổi tiếng thế giới sẽ quy tụ tại Việt Nam để cùng nhau bàn thảo đưa ra các giải pháp bảo vệ không gian mạng tại “Hội nghị Quốc tế về phòng chống mã độc toàn cầu” (AVAR 2015) được tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 2-4/12 tới.
Thông tin trên được ông Triệu Trần Đức, Tổng Giám đốc CMC InfoSec, đồng Trưởng ban tổ chức AVAR 2015 đưa ra trong buổi họp báo chiều 5/11.
Với chủ đề “Kỷ nguyên chiến tranh mạng,” hội nghị sẽ có sự góp mặt của hơn 150 chuyên gia hàng đầu về an ninh mạng, các giám đốc công nghệ, giám đốc bảo mật, các phó chủ tịch phụ trách an toàn thông tin đến từ 50 hãng sản xuất phần mềm chống mã độc lớn nhất thế giới như Intel (McAfee), Symantec, Kaspersky, Microsoft, BitDefender…
Trên thực tế, Việt Nam đang trở thành điểm nóng trong khu vực về bảo mật thông tin với nhiều cảnh báo từ các hãng bảo mật cũng như cơ quan chức năng.
Thống kê của VNCERT cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2015, đã có hơn 3.296.200 địa chỉ IP bị nhiễm mã độc và bị điều khiển bởi các máy chủ bên ngoài lãnh thổ; 18.085 website bị nhiễm mã độc và lây lan mã độc đến các máy tính trong mạng; 5.368 website bị tấn công và cài mã lừa đảo phishing; 7.421 cuộc tấn công thay đổi giao diện (deface).
Còn đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) thì cho biết, tổng hợp thống kê của BKAV, CMC, Microsoft, Kaspersky năm 2014 cho thấy, cứ trung bình 100 máy tính ở Việt Nam thì có tới 76 máy tính từng bị mã độc tấn công.
Ảnh minh họa.
Trong hai ngày diễn ra AVAR 2015, các vấn đề về chiến tranh mạng, mã độc gián điệp, tấn công và phòng thủ sẽ được đưa ra bàn luận với những phân tích chuyên sâu.
Đặc biệt, Hội nghị AVAR 2015 sẽ có sự tham dự của ông Mikko Hypponen với vai trò diễn giả chính. Mikko Hypponen là một trong những người đầu tiên đưa ra khái niệm Anti Virus từ những năm 1980 và từng được tạp chí Foreign Policy xếp vị trí 61trong danh sách “100 người có ảnh hưởng nhất thế giới,” tạp chí PC World của Mỹ xếp vào danh sách “50 người có ảnh hưởng nhất tới Internet”…
Bởi vậy, ông Đức tin tưởng hội nghị là cơ hội để các cơ quan, doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ các chuyên gia bảo mật quốc tế để có cái nhìn chuẩn xác hơn về thực trạng an toàn thông tin trên thế giới. Từ đó, đưa ra các giải pháp bảo đảm an toàn trong sự phát triển của quốc gia cũng như doanh nghiệp./.
AVAR là tên viết tắt (tiếng Anh) của Hiệp hội các Nhà nghiên cứu mã độc châu Á. Đây là một tổ chức phi chính phủ, được thành lập năm 1998 quy tụ hơn 200 thành viên gồm nhiều chuyên gia nghiên cứu, doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực bảo mật thông tin trên toàn thế giới. CMC InfoSec là thành viên Việt Nam duy nhất của Hiệp hội.