Phát triển thương mại điện tử: Ưu tiên ứng dụng kỹ thuật tiên tiến

15:39, 19/12/2016

Trong kế hoạch phát triển thương mại điện tử (TMĐT) của tỉnh giai đoạn 2016-2020, dự kiến sẽ có nhiều kỹ thuật tiến bộ được đầu tư, ứng dụng. Trong đó, đáng chú ý là kỹ thuật ứng dụng bản đồ số trong quản lý các khu, cụm công nghiệp; kỹ thuật ứng dụng hệ thống tích hợp TMĐT trên nền tảng di động và kỹ thuật ứng dụng chứng thực chữ ký số, phương thức thanh toán trực tuyến…

Trên địa bàn tỉnh hiện đang có tới 6 khu công nghiệp, trên 30 cụm công nghiệp và hàng nghìn doanh nghiệp (DN) tiểu thủ công nghiệp. Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhu cầu tìm kiếm thông tin chỉ rõ địa giới các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của DN cũng như các nhà đầu tư và người dân là hết sức cần thiết. Trước thực tế đó, tỉnh có kế hoạch xây dựng kỹ thuật ứng dụng bản đồ số cho các khu vực này. Ứng dụng sẽ giới thiệu địa điểm, diện tích, các khu vực thu hút đầu tư cũng như các chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước thông qua hệ thống phần mềm online trực tuyến từ vệ tinh và sơ đồ số chi tiết. Từ đó, giúp các nhà đầu tư có thông tin rõ nhất, trực quan nhất để đi đến quyết định lựa chọn đầu tư. Sở Công Thương đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Xúc tiến thương mại thuộc Sở triển khai thực hiện trong năm 2017 và tiếp tục phát triển ở các năm sau. Hàng năm Sở Công Thương có trách nhiệm đánh giá chi tiết về hoạt động của phần mềm bản đồ số và báo cáo UBND tỉnh.

 

Trong phát triển TMĐT, để hiện đại và bắt kịp với xu thế thông tin hiện nay, rất cần một hệ thống tích hợp với các phương tiện thông dụng và tiến bộ. Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) với 39% dân số sử dụng Internet và 34% sử dụng Internet qua nền tảng di động, Việt Nam có tiềm năng lớn về TMĐT trên nền tảng di động. Đây cũng là xu hướng chính của thị trường TMĐT hiện nay tại nước ta cũng như một số nước trong khu vực. Khi người tiêu dùng sử dụng thiết bị di động với phần mềm ứng dụng trên thiết bị để tìm kiếm, truy cập, so sánh và mua sắm hàng hóa thì giải pháp di động đang trở thành một kênh kinh doanh quan trọng cho ngành bán lẻ. Không chỉ tích cực giới thiệu sản phẩm, thương hiệu, các chương trình khuyến mại trên môi trường mua sắm di động, các DN bán lẻ còn đầu tư thiết kế các ứng dụng di động riêng cho thương hiệu của mình. Do đó, Sở Công Thương đã lên phương án đầu tư hệ thống tích hợp Sàn giao dịch TMĐT trên nền tảng di động, thiết bị cầm tay.

 

Thông qua hệ thống tích hợp trên di động, mục tiêu của tỉnh hướng đến chính là kết nối để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước. Đây là một phần trong hoạt động hưởng ứng Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên môi trường trực tuyến” do Cục TMĐT và Công nghệ thông tin phối hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) triển khai. Sở Công Thương sẽ phối hợp với Trung tâm Thông tin Thương mại và Công nghiệp của Bộ để xây dựng gian hàng online với tiêu đề “Tự hào hàng Việt” tích hợp trên Sàn giao dịch TMĐT của tỉnh với các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Dự kiến, một số sản phẩm công, nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh như may mặc, chè, sắt thép… sẽ được đưa lên gian hàng online.

 

Một kỹ thuật tiến bộ nữa sẽ được đưa vào ứng dụng nhiều hơn trong giai đoạn tới đó là sử dụng chữ ký số. Sở Công Thương sẽ tiến hành áp dụng chứng thực chữ ký số cho DN tham gia TMĐT trên địa bàn thông qua kênh xúc tiến thương mại. Chúng ta đều biết, giao dịch điện tử ngày một phổ biến và phát triển, trong tương lai gần sẽ là nguồn giao dịch chính của DN và cá nhân. Chữ ký số được hiểu như con dấu điện tử của DN, là phương tiện đảm bảo xác thực cho giao dịch điện tử. Chữ ký số chính là điều kiện cần thiết để đảm bảo an toàn tiến hành giao dịch điện tử trên mạng Internet. Mỗi DN tham gia TMĐT nên có chữ ký số riêng. Do đó, mục tiêu đề ra trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 của tỉnh là có 60% số đơn vị kinh doanh dùng chữ ký số.

 

Cùng với đó, để thêm sự tiện ích, Sở Công Thương sẽ hỗ trợ các DN thực hiện phương thức thanh toán trực tuyến trên website TMĐT. Bởi thực tế, có thêm hệ thống thanh toán trực tuyến sẽ không chỉ giúp khách hàng thuận tiện giao dịch mà còn mở ra thị trường rộng lớn, cơ hội tiếp cận khách hàng nhiều hơn cho DN.

 

Dịch vụ công trực tuyến trên các trang thông tin điện tử đã bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều. Do đó, trong giai đoạn tới, mục tiêu của ngành Công Thương là tăng cường dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử của ngành. Tiến hành thiết lập hệ thống trao đổi thông tin trực tuyến hai chiều giữa tổ chức, DN, cá nhân với Sở Công Thương về chính sách, các quy định cụ thể được áp dụng tại Sở. Ngoài ra còn cập nhật, cung cấp kịp thời và toàn diện những thông tin về thủ tục hành chính trong cấp phép trực tuyến; rút ngắn thời gian cấp giấy xác nhận kế hoạch khuyến mại và các dịch vụ công khác. Hoạt động này còn góp phần nâng cao trình độ ứng dụng tin học, tác phong làm việc hiện đại, hiệu quả trong môi trường thông tin điện tử của cán bộ, DN và người dân.

 

Như vậy, trong giai đoạn tới sẽ có nhiều ứng dụng TMĐT tiên tiến được triển khai ở tỉnh ta. Đây được xem là điều kiện tất yếu và cần thiết đối với một tỉnh đang trên đà phát triển mạnh mẽ như Thái Nguyên. Hy vọng, kế hoạch hiện đại hóa TMĐT mà tỉnh đề ra sẽ sớm được triển khai hiệu quả.