Tại Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018, ông Phùng Văn Cường, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Viettel đã chia sẻ kinh nghiệm và thế mạnh trong phát triển hạ tầng số gồm hạ tầng kết nối, hạ tầng công nghệ, Service Platform và cơ sở dữ liệu nền tảng.
Theo đó, về hạ tầng kết nối, tính đến nay, hạ tầng của Viettel đã trải rộng khắp cả nước với 67.000 trạm 3G và 4G, phủ tới 95% dân số, công nghệ cáp quang phủ rộng tới từng xã. Trong đó, mạng 4G được cung cấp trên toàn quốc với công nghệ tiên tiến nhấtvà tương lai là mạng 5G.
Về hạ tầng dữ liệu, Viettel đã đầu tư 5 data center đúng chuẩn Tier3 phổ biến của thế giới và tiến tới chuẩn Tier 4, đủ khả năng phục vụ cho hàng triệu khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông cùng lúc.
Về nền tảng công nghệ, đơn vị này đã nắm bắt và làm chủ công nghệ IoT, Cloud, Mobile ID, Mobile Connect, Bigdata, Integration Platform, AI…
Về cơ sở dữ liệu nền tảng, hiện nay, Viettel đang thực hiện nhiều dự án phần mềm cho Chính phủ điện tử, như dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dựa trên thông tin chứng minh thư, thẻ căn cước.
Thời gian tới, các mục tiêu lớn của Viettel hướng tới là mỗi người dân có một ID công dân duy nhất, mỗi công dân có một hồ sơ sức khỏe cá nhân, mỗi học sinh có một học bạ điện tử và mỗi gia đình trở thành một Home BTS kết nối với xã hội.
Đồng thời Viettel cũng đang bắt tay xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia cho các lĩnh vực làm nền tảng phát triển Chính phủ số kiến tạo.
Ông Phùng Văn Cường cũng cho biết, “hạ tầng số mà Viettel đang sở hữu và xây dựng sẽ góp phần cho sự thành công của Chính phủ số, góp phần giải quyết các nhu cầu của xã hội, đảm bảo môi trường mạng an toàn, phục vụ sự phát triển của cả nền kinh tế-xã hội, hướng tới một xã hội phát triển và hội nhập.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ nhanh chóng đã và đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong mọi lĩnh vực. Theo đó, phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải ưu tiên phát triển hạ tầng số tương ứng.
Tại diễn đàn Vietnam ICT Summit 2018, các diễn giả cũng đã đưa ra một bức tranh phát triển toàn cảnh về Chính phủ số tại Việt Nam, mở ra nhiều hướng đi mới trong việc ứng dụng CNTT – VT trong việc phát triển đời sống, kinh tế và xã hội.