Ứng dụng công nghệ thông tin theo kiến trúc Chính phủ điện tử

03:21, 14/12/2020

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những giải pháp đột phá quan trọng trong hoạt động nghiệp vụ của ngành Bảo hiểm xã hội. Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT, đáp ứng được các yêu cầu tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới.

Với mục tiêu phục vụ doanh nghiệp, người lao động và nhân dân ngày một tốt hơn, từ 3 năm gần đây, Ngành triển khai thực hiện toàn bộ ứng dụng CNTT theo kiến trúc Chính phủ điện tử. Để đạt hiệu quả cao nhất, Ngành đã có nhiều nỗ lực trong công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT trong quản lý các hoạt động nghiệp vụ, như quan tâm đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, thiết bị CNTT, nhân lực, xây dựng các phần mềm nghiệp vụ có chức năng kết nối liên thông dữ liệu toàn diện. Kết nối giữa Trung ương với địa phương, kết nối giữa các lĩnh vực thu, chi, sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết chế độ chính sách, kết nối liên thông đến các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT và 100% đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Phòng CNTT cho biết: Việc ứng dụng CNTT trong thực hiện BHXH mang lại nhiều tiện ích cho Ngành, doanh nghiệp và người dân. Toàn bộ các trường hợp liên quan đến Ngành như: BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, các chế độ chính sách, các quy trình, biểu mẫu đều có thể tra cứu, tìm được nhanh nhất tại Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam. Hiện toàn bộ nguồn nhân lực cũng như các phần mềm nghiệp vụ của Ngành được kết nối liên thông dữ liệu toàn diện, từ Trung ương tới địa phương. Các lĩnh vực nghiệp vụ thu, chi, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, giải quyết chế độ, chính sách, liên thông đến các cơ sở KCB, các đơn vị sử dụng lao động được kết nối linh hoạt. Theo đó là toàn bộ văn bản đến, văn bản đi (trừ một số văn bản bắt buộc phải sử dụng văn bản giấy theo quy định) đều được số hóa, sử dụng chữ ký số cá nhân; chữ ký số cơ quan do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp để phục vụ soạn thảo, trao đổi thông tin, xử lý công việc, trình ký, ký và phát hành điện tử trên Hệ thống.

Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình, dữ liệu quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT của BHXH các tỉnh, thành phố. Hệ thống cấp mã số BHXH, mã số định danh cá nhân duy nhất để quản lý người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống giao dịch điện tử; hệ thống thông tin giám định BHYT… được xây dựng tập trung toàn Ngành và đã triển khai, vận hành có hiệu quả. Trong giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến, năm 2020 tại địa bàn tỉnh ta có gần 950.000 hồ sơ của hơn 4.356 đơn vị sử dụng lao động gửi đến hệ thống giao dịch điện tử. Bằng hình thức giao dịch này, thời gian giải quyết hồ sơ được rút ngắn, mang lại hiệu quả cao.

Đến thời điểm đầu tháng 12-2020, toàn bộ 223 cơ sở KCB (100%) trên địa bàn tỉnh đã kết nối liên thông và chuyển dữ liệu đến hệ thống thông tin giám định BHYT, với tỷ lệ hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ gửi đúng ngày để phục vụ cho quản lý thông tuyến, tra cứu lịch sử KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT. Cùng với đó là hệ thống thông tin giám định BHYT được vận hành đồng bộ, nên mang lại ích lợi cho các bên liên quan. Với người dân khi KCB BHYT được giảm thiểu thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian khi đi KCB. Với cơ sở KCB có thể khai thác bệnh sử khám, chữa bệnh, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân để có các chỉ định hợp lý, đồng thời quản lý và ngăn ngừa được tình trạng trục lợi quỹ KCB BHYT, giảm bớt thời gian tổng hợp, lập các báo cáo theo quy định. Dữ liệu cấp thẻ BHYT của Ngành được cập nhật trực tuyến đến cơ sở KCB. Còn với Ngành, hệ thống thông tin giám định BHYT là công cụ hiệu quả trong quản lý quỹ KCB BHYT. Giúp cán bộ chuyên môn của Ngành theo dõi được tình hình sử dụng Quỹ BHYT tại địa phương và từng cơ sở KCB. Từ việc làm chủ công nghệ, cán bộ của Ngành phát hiện kịp thời những sai sót, chi phí bất thường để từ đó chấn chỉnh kịp thời các sai phạm.

Để tiến tới thực hiện BHXH điện tử, Ngành tiếp tục thực hiện cải cách chính sách BHXH; chủ động sắp xếp bộ máy tinh gọn, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và hoạt động nghiệp vụ, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, hướng tới xây dựng hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.