Chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo mục tiêu cơ bản của Chương trình chuyển đổi số quốc gia, đến năm 2025, Việt Nam phải phát triển chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số.
Tính cấp thiết của chuyển đổi số
Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và chuỗi khối, các thông tin, dữ liệu đều được chuyển thành thông tin, dữ liệu điện tử, được số hóa, được lưu trữ, truyền tải với dung lượng lớn hơn, được xử lý nhiều hơn, nhanh hơn... Những đột phá công nghệ này có tác động lớn đến tất cả mọi ngành, lĩnh vực trong đời sống xã hội, giúp vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới, với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nắm bắt xu hướng chuyển đổi số của thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TƯ ngày 27-9-2019 và Chính phủ có Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân.
Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện chính sách, thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế, trong đó có Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Sở hữu trí tuệ…
Việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia; Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; Trung tâm Đổi mới sáng tạo về internet vạn vật… cũng là nỗ lực lớn, nhằm hỗ trợ nền tảng chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cho các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, sức thuyết phục về tính hiệu quả, khả thi trong ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong chuyển đổi số còn thấp.
Lên kế hoạch, chiến lược triển khai hoạt động
Nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển đổi số chỉ bao hàm việc ứng dụng các tiến bộ công nghệ vào quy trình xử lý công việc hay thực hiện số hóa các dữ liệu. Một khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, đa số doanh nghiệp chưa hiểu rõ về chuyển đổi số, về đổi mới sáng tạo.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, chuyển đổi số thực chất là hoạt động đổi mới sáng tạo của một tổ chức, doanh nghiệp sử dụng công nghệ số. Có thể nhận diện rõ hơn khi chia thành 3 cấp độ cụ thể của chuyển đổi số, gồm: Số hóa (chuyển dữ liệu analog sang dạng số); ứng dụng công nghệ số (tin học hóa); chuyển đổi số (quy trình, cách thức hoạt động mới; sản phẩm, dịch vụ mới; mô hình kinh doanh mới; loại hình doanh nghiệp mới). Việc thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi số có nghĩa là thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo với các công nghệ số.
Còn theo Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Anh Tú, với chính phủ điện tử, ở cấp độ 1, văn bản ở dạng file doc/pdf, số hóa các số liệu thống kê, văn bản, tài liệu, sử dụng chữ ký số. Ở cấp độ 2 có trục liên thông văn bản, eCabinet, điều hành điện tử. Ở cấp độ 3, sẽ xử lý kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, giảm các cơ quan, tổ chức trung gian, dựa trên trí tuệ nhân tạo, robot.
Hiện tại, nhiều đơn vị của Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện công tác số hóa. Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Hà Quốc Trung cho biết, Cổng thông tin điện tử của Bộ được đưa vào vận hành từ đầu năm 2017, đến nay đã có hơn 14.000 tin, bài và hơn 3.000 thông báo đăng tải, cung cấp thông tin chính thống của Bộ. Việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai chính phủ điện tử. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ đã kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống giám sát quốc gia về chính phủ số, đáp ứng đầy đủ 18 tiêu chí chức năng theo quy định trong việc triển khai thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Hệ thống một cửa điện tử được kết nối đã tích hợp báo cáo số liệu, báo cáo tiến độ công khai trên Cổng dịch vụ công của Bộ Khoa học và Công nghệ và quốc gia. Đồng thời, tích hợp tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa; tiếp nhận và xử lý hồ sơ nộp trực tuyến từ Cổng dịch vụ công quốc gia.
Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ chủ trì, triển khai các nhiệm vụ và giải pháp, gồm kiến tạo thể chế; tạo nền móng chuyển đổi số; hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số... Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ đang làm việc với các đơn vị liên quan để lên kế hoạch, chiến lược triển khai hoạt động chuyển đổi số, quản lý nhà nước về chuyển đổi số trong thời gian tới.