Dù chưa phổ biến nhưng câu chuyện chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực nông nghiệp cũng không còn quá xa lạ với nông dân Võ Nhai. Người nông dân và đặc biệt là một số hợp tác xã trên địa bàn đã bước đầu làm quen với Internet, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, thương mại điện tử…
Năm 2019, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai đã triển khai thí điểm kết nối người sản xuất nông sản với các ngành chức năng, tổ chức kinh tế để hình thành một số mô hình sản xuất nông sản sạch, nông sản an toàn gắn liền với minh bạch quy trình, tiến trình sản xuất qua giải pháp truy xuất nguồn gốc. Qua đó, một số mô hình tiên phong đã thực hiện thành công, tạo được lòng tin với khách hàng.
Mô hình truy xuất nguồn gốc chè hữu cơ sinh học của chị Vũ Thị Vương ở xóm Chiến Thắng, xã Bình Long sau gần 2 năm triển khai đã có thành quả rất đáng ghi nhận. Với việc tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất hữu cơ và minh bạch quy trình này, sản phẩm chè nhà chị Vương không chỉ đạt kiểm định chè an toàn hữu cơ mà còn đảm bảo được chất lượng. Qua đó, sản phẩm này được một HTX ở T.P Hà Nội bao tiêu với giá cao gấp hơn 2 lần giá tiêu thụ tại địa phương. Thay vì giá bán chỉ gần 200 nghìn đồng/kg, chè sạch hữu cơ được thu mua với giá 500 nghìn đồng/kg.
Tương tự mô hình của chị Vương, qua kết nối của các ngành chức năng, HTX Nông nghiệp sạch Tràng Xá cũng đã thực hiện có hiệu quả Mô hình truy xuất nguồn gốc sản phẩm bưởi Tràng Xá; HTX Na La Hiên thực hiện có hiệu quả Mô hình truy xuất guồn gốc sản phẩm na VietGAP…
Ông Tầm Văn Cử, Chủ tịch UBND xã La Hiên chia sẻ: Toàn bộ 100ha na VietGAP trong xã đều được ứng dụng truy xuất nguồn gốc và dán tem để người tiêu dùng dễ dàng tra cứu. Chúng tôi cử cán bộ thường xuyên phối hợp, thống kê quy trình sản xuất, tiến trình chăm sóc, thu hái của các hộ dân để cập nhật thường xuyên vào cơ sở dữ liệu, phục vụ người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm bán ra.
Không chỉ ứng dụng CĐS trong truy xuất nguồn gốc, nhiều nông dân, HTX và doanh nghiệp trên địa bàn huyện Võ Nhai đã sử dụng Internet tìm hiểu kiến thức, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời quan tâm tới thương mại điện tử để tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
Bước đầu, đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp của Võ Nhai chào bán thành công trên một số nền tảng thương mại điện tử phổ biến như: Shopee, Lazada, Voso... và Cổng thương mại điện tử của tỉnh. Tiêu biểu như giảo cổ lam 5 lá của Công ty TNHH Dược thảo Hòa Bình (thị trấn Đình Cả), chè móc câu của HTX Dịch vụ và Nông nghiệp Đại Tiến (Liên Minh), na của HTX Na La Hiên, mật ong của HTX Nông sản sạch La Hiên…
Theo kế hoạch, huyện Võ Nhai đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm trên 20% tổng sản phẩm; 80% số doanh nghiệp, hợp tác xã có website tích hợp kinh doanh, bán hàng trực tuyến; 100% doanh nghiệp, hợp tác xã được kết nối Internet; triển khai thành công các giải pháp hỗ trợ nông nghiệp số, phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, truy xuất nguồn gốc, sàn giao dịch điện tử…
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND huyện, công tác CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương còn tồn tại một số hạn chế như: Nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn thiếu; một số khu vực chưa có sóng điện thoại, Internet; đơn vị sản xuất nông nghiệp chưa chủ động tiếp cận công nghệ; doanh nghiệp công nghệ thông tin phục vụ CĐS chưa nhiều…
Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Sen, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai chia sẻ: Để khắc phục hạn chế, thực hiện mục tiêu CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết các thủ tục hành chính; ưu tiên nguồn lực tài chính và nhân lực cho CĐS, đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng chính quyền số, phát triển xã hội số phù hợp với điều kiện của địa phương. Đặc biệt, huyện sẽ xây dựng cổng thông tin điện tử kết nối cung, cầu sản phẩm nông nghiệp, hướng tới liên kết sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xây dựng sàn thương mại điện tử để người dân có thể trao đổi, mua, bán hàng hóa trực tuyến, đẩy mạnh phát triển kinh tế số của địa phương.