Giao dịch số không còn xa lạ với mỗi chúng ta. Nếu tìm kiếm trên Google, từ khóa này sẽ cho hàng trăm triệu kết quả. Điều đó không có gì ngạc nhiên bởi thời gian qua cả nước tập trung cao độ cho mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, trong đó đáng chú ý là nội dung giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt. Với Thái Nguyên, tỉnh cũng đang đẩy mạnh thanh toán trên nền tảng điện thoại di động để hướng tới mục tiêu phủ rộng giao dịch số trên toàn địa bàn.
Chúng ta đều biết, hiên nay các dịch vụ thanh toán qua nền tảng di động đang khá phổ biến. Từ chuyển tiền mua bán hàng hóa đến thanh toán tiền điện, nước và các dịch vụ thiết yếu khác đều được tích hợp trên nền tảng di động thông qua tài khoản ngân hàng.
Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, việc mua bán, thanh toán điện tử là nhu cầu không thể thiếu. Điều này đòi hỏi chính quyền, các đơn vị, doanh nghiệp càng phải tích cực tham gia hơn nữa.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công (thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội), từ đó tăng cường triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, các doanh nghiệp viễn thông trong tỉnh (chi nhánh Viettel, VNPT, Mobifone) đã tích cực đăng ký tham gia.
Trên cơ sở năng lực của các doanh nghiệp này, Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng kế hoạch sử dụng dịch vụ thanh toán trên nền tảng di động. Theo đó, 3 doanh nghiệp sẽ thiết lập mạng lưới các điểm cung cấp dịch vụ, điểm chấp nhận thanh toán tới 100% thôn, xóm, bản trên địa bàn tỉnh.
Đó là, thiết lập điểm cung cấp dịch vụ chuyển tiền, nạp tiền, rút tiền qua tài khoản di động (Mobile Money), mỗi đơn vị đăng ký từ 150 đến gần 900 điểm; điểm chấp nhận thanh toán qua QR Code (Merchant) tại bộ phận một cửa, trường học, bệnh viện, gian hàng vùng miền, cửa hàng…, mỗi đơn vị đăng ký từ 50 đến trên 3.000 điểm; thiết lập các thuê bao Mobile Money cũng từ 10.000 đến 60.000 trường hợp.
Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số, một trong những điều kiện cần và đủ chính là giao dịch số. Do đó, tỉnh chủ trương đẩy mạnh các hoạt động thanh toán trên nền tảng di động nhằm thu hẹp khoảng cách số ở vùng sâu, vùng xa, phát triển hạ tầng dịch vụ thanh toán số rộng khắp.
Điều này giúp tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tới người dân không có tài khoản ngân hàng. Tới đây, tỉnh sẽ mở rộng, phát triển các điểm chấp nhận thanh toán tại các bệnh viện, trường học, các điểm thu nộp thuế, các điểm giao dịch của công ty điện lực, công ty cấp nước…
Hình thức thanh toán sẽ đa dạng hơn, không chỉ dùng điện thoại thông minh hoặc thực hiện các lệnh giao dịch lớn, mục tiêu tỉnh hướng tới là giải quyết cả các nhu cầu thanh toán giá trị nhỏ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thanh toán không dùng tiền mặt ngay cả khi không có tài khoản ngân hàng, không có điện thoại thông minh, không kết nối Internet.