Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm chuyển đổi số

09:39, 02/02/2022

Xác định xu thế chuyển đổi số sẽ tạo nên đột phá to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi tổng thể và toàn diện con người về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số, ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; lấy ngày 31-12 là Ngày Chuyển đổi số. Nghị quyết về chuyển đổi số ra đời đã mở ra hướng đi mới, tạo nên sức sống mới trên quê hương Thái Nguyên giàu truyền thống cách mạng.

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, ngành Thông tin và Truyền thông đã làm tốt công tác tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết hiệu quả trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số. Với những kết quả nổi bật như sau: Các cấp ủy đảng đã khẩn trương tuyên truyền, quán triệt, triển khai nghị quyết tới 100% cán bộ, đảng viên trong toàn đảng bộ; các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương đã đăng tải, phát sóng trên 500 tác phẩm báo chí tuyên truyền về Nghị quyết chuyển đổi số.

Đặc biệt, một khóa học bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chuyển đổi số với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông được tổ chức tới 192 điểm cầu từ tỉnh đến cấp xã, thu hút trên 14.500 học viên tham gia.

Sự thay đổi được hiện thực hóa ngay tại các cuộc họp quan trọng của tỉnh đến các sở, ngành, địa phương, đó là nội dung báo cáo đã được số hóa, phòng họp không giấy, hội nghị trực tuyến được triển khai phổ biến và quen thuộc: 100% cuộc họp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND đều triển khai giải pháp phòng họp không giấy; hệ thống quản lý văn bản đi - đến và điều hành đã gửi, nhận gần 2 triệu văn bản; cung cấp 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 đủ điều kiện trên cổng dịch vụ công của tỉnh; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được xây dựng, kết nối từ Trung ương về 9 đơn vị cấp huyện và 178 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, phục vụ gần 200 cuộc họp… góp phần quan trọng vào công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu người dân, doanh nghiệp, tạo nên môi trường hành chính công khai, minh bạch.

Là một tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp lớn, Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp khống chế dịch COVID-19 hiệu quả. Và một trong những giải pháp được áp dụng trong phòng, chống dịch COVID-19 là triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các nền tảng, giải pháp công nghệ số.

Nét đặc biệt trong chuyển đổi số thời gian qua là việc thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số, như: Tập đoàn Viettel; Tập đoàn VNPT; Tập đoàn AIC, Tập đoàn Saigotel-NGS, Tập đoàn Tân Hoàng Minh… Tất cả đều thể hiện tinh thần chung tay tạo sự phát triển mới.

Trung tâm Điều hành thông minh do Tập đoàn Viettel triển khai thí điểm với 11 nền tảng công nghệ số, như: Tích hợp hiển thị thông minh IOC; tích hợp quản lý camera tập trung; xử lý giám sát điều hành giao thông; hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử… Đặc biệt là phần mềm ứng dụng công dân Thái Nguyên “C-ThaiNguyen” được đưa vào sử dụng từ tháng 6-2021 đến nay đã có gần 200 nghìn lượt cài đặt, sử dụng; tiếp nhận trên 400 phản ánh của công dân, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, góp phần làm tốt công tác quản lý của các ngành, chính quyền địa phương...

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông, ngày 22-9-2021.

Cùng với ứng dụng C-ThaiNguyen, việc phát triển nền tảng xã hội số với tên gọi "Thai Nguyen ID" đã hỗ trợ tích cực vào việc định danh chính xác từng người dân Thái Nguyên trên không gian số, đơn giản hóa và thuận tiện trong việc thực hiện các dịch vụ công một cửa là “cánh tay nối dài” giúp tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân, góp phần quan trọng vào thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số và thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính của tỉnh.

Ngoài việc triển khai ứng dụng Sổ tay đảng viên, giúp các tổ chức đảng và đảng viên dễ dàng tiếp cận và tham gia hoạt động trên môi trường số một cách thuận lợi và an toàn, các ngành: Y tế, Giáo dục, Văn hoá, Công nghiệp, Giao thông, Nông nghiệp… cũng được ưu tiên chuyển đổi số và thực sự chuyển mình. 

Bộ mặt đô thị thông minh dần được hiện hữu và hình thành tại T.P Thái Sau một năm thực hiện nghị quyết về chuyển đổi số, từ thành phố đến những vùng xa khó khăn đều nhận được sự tham gia có trách nhiệm và đầy hứng khởi của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân.

Lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá và công bố kết quả chuyển đổi số, tỉnh Thái Nguyên xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin mạng thuộc nhóm 7 địa phương xếp hạng A dẫn đầu cả nước.

Để khắc phục những hạn chế và thực hiện chuyển đổi số hiệu quả thời gian tới, ngành Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tham mưu thực hiện tốt những nội dung, như: Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nhất là trong bối cảnh đối diện với “thách thức kép” - vừa chống đại dịch COVID-19, vừa chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số; người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số...

Nguồn cảm hứng, định hướng vào “hành trình chuyển đổi số” mà Thái Nguyên đã lựa chọn và đang thực hiện sẽ đưa địa phương tiến lên, hòa nhịp cùng sự phát triển là nền tảng, động lực quan trọng, góp phần xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du miền núi phía Bắc, với mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tạo tiền đề đến năm 2030 Thái Nguyên thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.